A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thách thức với thế giới trong “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của cả một quốc gia. “Cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu đã trở nên cấp thiết.

Người dân ở Mumbai, Ấn Độ xếp hàng lấy nước quanh một chiếc giếng đã cạn kiệt do nắng nóng kéo dài

Người dân ở Mumbai, Ấn Độ xếp hàng lấy nước quanh một chiếc giếng đã cạn kiệt do nắng nóng kéo dài

Nhiều hệ lụy từ sóng nhiệt, nắng nóng

Vào thời điểm đáng lẽ phải là lạnh nhất trong năm, nơi lạnh nhất Trái đất là Nam Cực lại đang hứng chịu một đợt sóng nhiệt kỷ lục. Kể từ giữa tháng 7, nhiệt độ tại một số khu vực của Nam Cực đã tăng khoảng 10 độ C so với mức bình thường. Dữ liệu mới nhất cho thấy ở các khu vực miền Đông Nam Cực, nơi có mức nhiệt thường trong khoảng từ âm 50 đến âm 60 độ C, hiện đã tăng lên gần âm 25 đến âm 30 độ C. Đây là đợt sóng nhiệt đáng kể thứ hai ghi nhận tại Nam Cực trong 2 năm qua. Trong đợt trước vào tháng 3-2022, nhiệt độ ở một số địa điểm đã tăng khoảng 21 độ C so với bình thường, là mức chênh lệch nhiệt độ cực đoan nhất từng được ghi nhận ở khu vực này.

Trong khi đó, theo Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), khoảng 162 triệu người, tương đương gần một nửa dân số nước này, sống ở những khu vực có cảnh báo nắng nóng. Nóng bức cộng với điều kiện thời tiết hanh khô đã tạo điều kiện cho các đám cháy rừng bùng phát mạnh mẽ ở bang California. Miền Tây Canada cũng đối mặt với nắng nóng cực độ, làm tăng nguy cơ cháy rừng tại các tỉnh British Columbia, Alberta và Saskatchewan. Còn các thành phố ở Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc thì ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.

Theo dữ liệu sơ bộ của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), ngày 21-7 vừa qua là ngày nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu. Cụ thể, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đo được vào ngày 21-7 vừa qua là 17,09 độ C, cao hơn một chút so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 6 vừa qua là 17,08 độ C. Như vậy là kể từ tháng 6-2023, thế giới đã trải qua 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Một số nhà khoa học cho rằng, năm 2024 có thể trở thành năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép đến nay do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino vốn kết thúc vào tháng 4 năm nay đã đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy.

Nhiệt độ cực đoan đã gây ra nhiều hệ lụy với con người. Nắng nóng làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, gồm tim mạch, hô hấp và bệnh mạch máu não, sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan đến tiểu đường. Theo con số thống kê mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 1-8 vừa rồi, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019, mỗi năm nắng nóng cực đoan cướp đi sinh mạng của 489 nghìn người trên toàn cầu. Riêng tại châu Âu, nơi nhiệt độ tăng nhanh hơn phần còn lại của thế giới, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng đã tăng 30% trong 2 thập niên qua, lên tới 176.040 ca mỗi năm.

Nắng nóng còn khiến cuộc sống ở nhiều nơi trên Trái đất đảo lộn. Cuối tháng 7 vừa rồi, một đợt nắng nóng khủng khiếp đã tràn qua Iran, khiến nhiệt độ ở hầu hết các thành phố ở nước này tăng lên gần và trên 40 độ C. Quận Varamin, phía Đông Nam Thủ đô Tehran, là khu vực nóng nhất với nhiệt độ đạt mức tối đa là 43,2 độ C. Hôm 28-7, Chính phủ Iran đã phải cho tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức và ngân hàng đóng cửa do thời tiết quá nóng bức.

Ở Pakistan, những đợt nắng nóng trong hè khiến nhiệt độ ở một số nơi có lúc lên tới hơn 50 độ C. Nắng nóng khiến nguồn cung điện bị khủng hoảng, buộc Pakistan thường xuyên phải cắt điện theo kế hoạch nhằm giảm tải cả ở thành phố và nông thôn. Cuối tháng 7-2024, giới chức Pakistan quyết định kéo dài kỳ nghỉ hè của học sinh các tỉnh miền Nam nước này thêm 2 tuần do nắng nóng, ảnh hưởng đến học sinh tại hơn 100.000 ngôi trường.

Thời khắc lịch sử phải hành động trước khi quá muộn

Đầu tháng 6-2024, hơn 50 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã lên tiếng cảnh báo tình trạng toàn cầu nóng lên ở mức chưa từng thấy. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Earth System Science Data, các nhà khoa học trên cho biết, nhiệt độ Trái đất đã tăng 0,26 độ C trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2023. Trong cùng thời gian đó, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng 1,19 độ C trên mức tham chiếu tiền công nghiệp 1850-1900. Con số này tăng so với mức tăng 1,14 độ C ghi nhận trong báo cáo vào năm ngoái cho thập kỷ tính đến năm 2022.

Năm 2015, sau những tranh luận gay gắt, gần 200 nước đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Theo các nhà khoa học, nếu không đạt được mục tiêu đó, thảm họa khí hậu quy mô lớn sẽ bùng phát, dẫn tới nghèo đói, dịch bệnh và thiên tai. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, với lượng khí phát thải hàng năm như hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng lên 3,4 độ C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ là thảm họa với Trái đất.

Thế giới đang đứng trước thời khắc lịch sử phải hành động ngay lập tức trước khi quá muộn, trước hết là cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên. Muốn vậy, con đường duy nhất phía trước là phải chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sâu rộng ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một số quốc gia đã đi theo con đường này và tạo ra các giải pháp thay thế bằng cách thúc đẩy chiến dịch không phổ biến năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, biện pháp này không nhận được sự ủng hộ của nhiều nước vì nguồn lợi từ nhiên liệu hóa thạch quá lớn.

Một biện pháp khác dựa trên Thỏa thuận Paris 2015 là nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, các nước giàu chịu trách nhiệm lịch sử về việc gây ra khủng hoảng khí hậu trong quá khứ phải cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển hiện đang được yêu cầu từ bỏ tăng trưởng để làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, các nước phát triển cần huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay, các quốc gia giàu có mới chỉ cam kết đóng góp khoảng 661 triệu USD vào Quỹ tổn thất và thiệt hại, một con số như “muối bỏ bể” trong bối cảnh các nước nghèo thiếu nguồn lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thực tế là ngay các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề khí hậu cũng không có đủ kinh phí để hỗ trợ công việc của họ. Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng thiếu hơn một nửa số tiền cần thiết, khoảng 165 triệu USD, cho các hoạt động khí hậu của các quốc gia thành viên trong 2 năm tới. Thư ký điều hành UNFCCC đã phải lên tiếng kêu gọi “bước nhảy vọt về tài chính khí hậu” để đáp ứng yêu cầu này.

Trong khi đó, báo cáo năm 2022 của Nhóm Vulnerable 20 - nhóm các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu gồm 68 quốc gia nghèo, trong đó có 24 quốc gia từ châu Phi, ước tính rằng họ đã mất 1/5 tài sản trong 2 thập kỷ qua và lẽ ra sẽ giàu có hơn 20% nếu không có biến đổi khí hậu. Tổng số tiền này vào khoảng 525 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ có 6 tỷ USD trong tổng số 30 tỷ USD tài chính thích ứng toàn cầu “chảy” vào châu Phi trong thời gian đó. Nguồn tài trợ đó quá nhỏ so với thiệt hại do các thảm họa thời tiết khắc nghiệt mà các nước châu Phi phải hứng chịu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm