A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn của người con Hà Nội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra, lớn lên và phần lớn quá trình công tác ở Hà Nội. Có lẽ vì thế, ông hiểu rõ Thủ đô và cũng vì thế nên những chỉ đạo, định hướng của đồng chí cho Thủ đô rất sâu sát. Chỉ nói riêng về sự quan tâm của ông đối với phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội là rất sâu sắc, toàn diện, thể hiện rõ tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn.

Để Hà Nội làm tròn vai trò trái tim cả nước

Theo nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, đóng góp và dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất nổi bật trong thời kỳ đồng chí làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (1996 - 1998) sau đó là Bí thư Thành ủy (2000 - 2006) trong giai đoạn đất nước và Thủ đô tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, giúp cho Hà Nội luôn làm tròn vị trí, vai trò là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục và giao lưu quốc tế.

Cách đây 19 năm, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, 51 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2005) đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó đang đảm trách cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định: “Tạo nên những thành tựu vĩ đại của lịch sử Thăng Long - Hà Nội là công lao to lớn của cả nước, của toàn dân tộc, được vun đắp từ mồ hôi, xương máu của cha ông, qua nhiều thế hệ”.

Tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn của người con Hà Nội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII

Vậy làm thế nào để Hà Nội “viết tiếp những trang sử mới làm rạng rỡ thêm truyền thống 1000 năm văn hiến và anh hùng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”, đó là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu.

Trong các bài viết, bài nói chuyện của mình khi nhắc tới Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn bày tỏ kỳ vọng về “vị thế trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa khoa học giáo dục kinh tế và giao lưu và giao dịch quốc tế”; đồng thời mong ước “Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc nghìn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”.

Để thực hiện yêu cầu đó, đã nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ các lĩnh vực.

Sau này, ở cương vị Tổng Bí thư, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh, Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Chính vì thế, theo ông yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn...

Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, bài học thành công của những năm qua, là phải luôn biết tạo ra cơ hội, đón lấy cơ hội để khơi thông lòng yêu nước, ý chí tự cường, tất cả cùng đồng lòng dốc sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Vào dịp Xuân Quý Mão 2023 và chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2023), chiều 19/1/2023 (tức ngày 28 tháng Chạp), thời điểm cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Quý Mão, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Tổng Bí thư chỉ rõ, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Trong bối cảnh chung đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội lại càng lớn và nặng nề hơn.

Tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn của người con Hà Nội

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với người dân Thủ đô trong đêm Giao thừa đón năm mới Kỷ Hợi 2019 tại chùa Trấn Quốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây chính là sự quan tâm đặc biệt và cũng là yêu cầu, mong muốn, tin tưởng để Hà Nội thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước như Bác Hồ từng căn dặn và mong muốn đối với đồng bào, chiến sĩ Thủ đô…

Tổng Bí thư nhắn nhủ, chúng ta rất tự hào về lịch sử truyền thống vẻ vang của Thủ đô, những kết quả, thành tích mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong năm 2022. Dứt khoát không được chủ quan, thỏa mãn, bởi còn nhiều việc phải làm với nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua và còn có những vấn đề chưa lường trước hết được…

Hơn lúc nào hết càng vinh dự, tự hào được làm công dân Thủ đô thì càng phải thấy trách nhiệm của mình để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác để lãnh đạo Đảng bộ cùng Nhân dân xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, với niềm tin yêu của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Tư duy phát triển văn hóa, xây dựng con người Thủ đô

Trong sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Hà Nội thì sự quan tâm dành cho phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội là rất sâu sắc, toàn diện, thể hiện rõ tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn.

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thăng Long - Hà Nội không chỉ anh hùng bất khuất trong chiến đấu giữ nước mà còn là mảnh đất của thi thư văn hiến; một trung tâm phát triển kinh tế mà nét đặc trưng nhất là thương mại thủ công nghiệp và những người khéo tay tài hoa.

Đối với lĩnh vực văn hóa của Thủ đô, nhất là việc xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những định hướng quan trọng nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của Thủ đô; phát huy truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng; đồng thời khuyến khích tiếp tục đổi mới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Thủ đô...

“Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Do đó, cần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ; nêu cao lòng tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật.

Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắn nhủ.

Tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn của người con Hà Nội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri TP Hà Nội

Đây cũng là vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến trong các cuộc tiếp xúc với cử tri tri Hà Nội trong vai trò đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu TP Hà Nội. Trong đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (ngày 1/7/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, văn hóa là nguồn sống, nguồn động lực phát triển Thủ đô.

Trao đổi với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống văn hóa của Thủ đô là vấn đề luôn cần quan tâm. Cùng với đó, việc tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô.

Theo Tổng Bí thư, mỗi tỉnh, TP có một đặc thù riêng nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được. Bởi thế, các cấp, các ngành của TP Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản này, vận dụng vào thực tiễn để xây dựng Thủ đô xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người và nhiều danh hiệu khác nữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ, đây là Thủ đô văn hóa, nên các các cấp, ngành, cán bộ tại Hà Nội phải hết sức chú ý vấn đề văn hóa, đi đứng, ăn uống, đối xử với nhau phải bảo đảm văn hóa. Hà Nội với rất nhiều công trình và truyền thống văn hóa quý báu, đây là nguồn sống, là nguồn động lực phát triển Hà Nội. Bảo vệ, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc và truyền thống từ những di sản văn hóa cha ông để lại, đó là trách nhiệm trước hết của thế hệ hôm nay.

Có thể nói, những định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là nguồn cảm hứng, là kim chỉ nam tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong hành trình xây dựng và phát triển. Hà Nội phải nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt những ý kiến chỉ đạo đó để không phụ nuêmf tin và sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm