A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều tỉnh, thành tự nguyện sắp xếp, thêm 20 huyện sẽ sáp nhập

Dự kiến sau khi sắp xếp giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện, 619 đơn vị hành chính cấp xã. Đáng chú ý, nhiều tỉnh, thành tự nguyện sáp nhập huyện, xã.

Article thumbnail
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thông tin này được đề cập trong báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tất cả tỉnh, thành đã có phương án sáp nhập huyện, xã

Bộ Nội vụ cho hay, đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến BộNội vụ.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án tổng thể của các địa phương.

Hiện các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành cho thấy, đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có 50 đơn vị. Cụ thể, có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị.

Số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.

Đánh giá chung, theo Bộ Nội vụ, các địa phương đã chủ động, tích cực quán triệt và triển khai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Công tác xây dựng phương án tổng thể được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt theo quy định của Đảng và pháp luật, phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Nhiều mơi tự nguyện sáp nhập huyện, xã

Dự kiến ban đầu, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước có 30 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, sáp nhập.

Với phương án hiện nay, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, sáp nhập tăng 20 đơn vị, đạt tỷ lệ 166,66% (50/30), còn cấp xã đạt 99,2% (1.243/1.253). 

Sở dĩ có sự thay đổi này là vì ngoài số đơn vị hành chínnh bắt buộc phải sắp xếp, nhiều địa phương đã tự đề xuất sắp xếp, sáp nhập số lượng lớn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo diện khuyến khích, liền kề.

Chẳng hạn, Bắc Giang thực hiện sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích; trong 32 đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp thì có 8 đơn vị thuộc diện khuyến khích.

Hay như Lâm Đồng thực hiện sắp xếp 7 đơn vị hành chínnh cấp huyện thì có 2 đơn vị thuộc diện bắt buộc, 2 đơn vị khuyến khích và 3 đơn vị liền kề; cấp xã có 2 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 9 khuyến khích và 7 liền kề.

Trong 152 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp của TP Hà Nội có 98 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 6 đơn vị khuyến khích và 48 đơn vị liền kề.

Tương tự, Hải Phòng thực hiện sắp xếp 82 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 41 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 27 đơn vị khuyến khích và 14 đơn vị liền kề.

Theo kế hoạch đề ra, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn khoảng 6 tháng.

Dự kiến trong tuần này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 sẽ chủ trì họp phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo, đốc thúc các công việc, tháo gỡ các vướng mắc để việc sắp xếp, sáp nhập huyện xã đúng tiến độ đề ra.

Báo cáo cũng thông tin, số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị (19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33%).

Số đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị (515/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,10%).

Nhận định con số đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù khá lớn, báo cáo nêu, việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm