A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội Chá Mùn, lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen

Lễ hội Chá Mùn là lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào.

Nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng

Lễ hội Chá Mùn là một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân tộc Thái đen ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Lễ hội Chá Mùn, lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen
Lễ hội Chá Mùn, lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen

Tương truyền từ xa xưa con người ở trần gian (Mường Lúm) bị dịch bệnh, không phương thuốc cứu chữa, tổ tông người Thái đen đã cử người lên Mường trời cầu cứu. Pó Then (ông Then - một tên gọi trừu tượng, người cai quản Mường trời, một Mường có cuộc sống hạnh phúc vô biên), có đầy đủ mọi tài năng tạo ra đất, ra nước và muôn loài, trong đó có loài người.

Lời kêu cứu của người Mường Lúm đã làm Pó Then động lòng thương xót và ra lệnh mở cổng trời cho quân lính, thần y xuống trần gian diệt trừ tà ma, chữa bệnh cứu giúp dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân, bản làng yên ấm.

Theo đó, cứ vào tháng 9 tháng 10 hàng năm đồng bào dân tộc Thái đen ở Mường Lúm, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức lễ hội Chá Mùn.

Chủ buổi lễ hội Chá Mùn là thầy mo Mùn được người dân tín nhiệm và là người chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Với lòng thành kính, đồng bào Thái đen dâng lên trời đất những sản vật do chính họ làm ra.

Trung tâm của lễ hội Chá Mùn là cây bông (gọi là Bọoc mạy). Trên cây bông trưng bày đủ loài hoa, chim muông, cá, ếch, voi, ngựa, thuyền bè và được đặt ở gian chính ngôi nhà sàn.

Một mâm cúng chính (gọi là Pan thôn) đặt gần cửa sổ gian giữa ngôi nhà với ý nghĩa mời Pó Then và linh hồn các thế hệ Mo mùn đi trước đến chứng giám và phù hộ cho lễ hội. 30 mâm phụ (gọi là Pan bán - mâm ngọt) được đan bằng tre, nứa bày các loại hoa quả như chuối, mía, khoai lang, khoai sọ, cá nướng, xôi và một chai rượu kèm 30 chén cho 30 mâm được đặt trên nhà sàn với ý nghĩa tiếp đoàn tháp tùng Pó Then từ Mường trời xuống trần gian dự lễ hội Chá Mùn.

Khi lễ vật đã chuẩn bị xong, thầy mo Mùn tiến hành nghi thức lễ hội Chá Mùn. Trong đó gồm nghi lễ mời ông Then trên trời và linh hồn các thầy Mo đã quá cố về dự lễ hội; gọi vía người bệnh và mọi người về tham gia lễ hội; đón người cai quản địa phương và khách tham dự lễ hội; tổ chức các trò chơi, trò diễn và cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời, chia tay lễ hội và hẹn mùa lễ hội sau.

Lời cầu khấn của thầy mo Mùn trong lễ hội Chá Mùn: Hôm nay dân bản mời các thần linh là thần đất, thần sông, thần rừng, thần núi về đây chứng giám mâm cỗ. Các thần phù hộ, xua đuổi tà ma, ác quỷ, cầu cho mưa thuận gió hoà, phù hộ cho dân bản được bình yên mạnh khoẻ, đem đến no ấm và hạnh phúc cho muôn nhà. Được ăn ngon dân bản Thái không quên ơn, được giàu có không quên công thần phù hộ. Gọi đằng trái rừng mọc, gọi đằng phải có cơm có rượu. Gọi đằng trước mưa về, gọi đằng sau mưa tạnh. Chữa người ốm khỏi bệnh, xua đuổi hết tà ma, nuôi con con khỏe, trồng lúa lúa tốt.

Tạ ơn cội nguồn đã dạy cho người Thái ta biết làm nương làm rẫy để có cái ăn, biết thêu dệt nên vải để có cái mặc, biết yêu thương che chở bản làng. Xin thần linh về chứng giám cho tấm lòng thành của dân bản hôm nay có mâm rượu, có cỗ xôi con gà, váy vóc hoa văn để dâng lên các thần, cầu mong các thần cùng về để nhận lễ và luôn phù hộ cho bản Thái ta được mạnh khỏe đủ đầy và luôn hạnh phúc.

Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen. Lễ hội là nơi mọi người trong bản, trong mường đoàn kết, vui tươi, phấn khởi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiêm ngưỡng cây bông, chuẩn bị cho tinh thần để đón chào một mùa xuân mới. Đối với các mo Mùn, lễ hội là dịp để tổng kết quá trình hành nghề 3 năm hái thuốc và chữa trị bệnh cứu người.

Đưa lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo

Thông qua Lễ hội Chá Mùn đồng bào muốn gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, no ấm, đồng thời là dịp để mọi người giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái đen.

Lễ hội Chá Mùn, lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen
Múa sạp trong lễ hội Chá Mùn của đồng bào Thái

Lễ hội Chá Mùn cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh tạo không khí vui tươi, phấn khởi để bước vào năm mới. Tham gia lễ hội Chá Mùn ngoài cầu mùa, cầu phúc, người dân còn được chơi những trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo của người Thái như, múa sạp, khua luống, cồng chiêng và múa hát xung quanh cây bông... Để rồi những câu hát, điệu khèn... chứa chất bao tâm sự, tình cảm cũng như những mong ước chính đáng về một cuộc sống bình yên, no đủ của đồng bào dân tộc Thái lại được vang lên giữa không gian bản làng.

Trong thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục chỉ đạo xã Yên Thắng tổ chức Lễ hội Chá Mùn, nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của ông cha. Đồng thời đưa lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo của huyện Lang Chánh, thu hút ngày càng đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Hy vọng trong tương lai không xa lễ hội chá Mùn của người Thái đen, xã Yên Thắng huyện Lang Chánh sẽ được công nhận là sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia, để huyện Lang Chánh quảng bá, giới thiệu nét văn hóa của cộng đồng người Thái đen tới đông đảo nhân dân trong và ngoài nước, góp phần phát triển sản phẩm du lịch độc đáo trong chuỗi các sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm