A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường đối thoại xã hội hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe nghề nghiệp

 Các ứng phó với đại dịch COVID-19 đã cho thấy, sự hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc.

Năm nay, Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc tập trung vào việc tăng cường đối thoại xã hội hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe (Ảnh minh họa: ILO)

Bắt đầu từ năm 2003, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chọn ngày 28/4 là Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, để thúc đẩy việc ngăn ngừa tai nạn lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Đây là một sự kiện nâng cao nhận thức nhằm tập trung sự chú ý của quốc tế vào tầm quan trọng của vấn đề an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, cũng như cách thúc đẩy và tạo ra một nền văn hóa an toàn và sức khỏe có thể giúp giảm thiểu số người chết và bị thương liên quan đến công việc.

Năm nay, Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc tập trung vào việc tăng cường đối thoại xã hội hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe. 

Trong suốt đại dịch COVID-19, chúng ta thấy rằng việc có một hệ thống an toàn vệ sinh lao động mạnh mẽ cần sự tham gia có ý nghĩa của chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan y tế công công và tất cả các bên liên quan ở cấp quốc gia và cấp doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ môi trường lao động và đảm bảo an toàn và sức khỏe của người lao động.

Một báo cáo công bố mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy rằng, các ứng phó với đại dịch COVID-19 đã cho thấy, sự hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, để có thể cứu sống nhiều sinh mạng trong cuộc khủng hoảng này và cuộc khủng hoảng tiếp theo.

ILO cũng nhấn mạnh sự hợp tác giữa các bên trong thế giới việc làm là rất cần thiết để đảm bảo rằng các biện pháp đưa ra được người sử dụng lao động và người sử dụng lao động chấp nhận và ủng hộ, từ đó việc thực hiện sẽ trở nên hiệu quả hơn trong thực tế.  Chẳng hạn ở Phần Lan, các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ để phát triển các biện pháp cho người lao động ở lĩnh vực du lịch và nhà hàng. Tại Nam Phi, các cuộc thảo luận ba bên đã được tổ chức để sửa đổi các biện pháp nhằm vào sự lây lan của COVID-19 tại các nơi làm việc.

Thực tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cho thấy, nơi làm việc có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa và kiểm soát các đợt dịch bùng phát. Các biện pháp an toàn và sức khỏe thích hợp tại nơi làm việc có thể đóng một vai trò không nhỏ trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời bảo vệ người lao động và xã hội nói chung./.

Song Anh (theo UN, ILO)

 

 

 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm