A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thanh tra (sửa đổi): Cơ sở pháp lý cho việc đổi mới mang tính cách mạng về tổ chức và hoạt động thanh tra

Đó là nhấn mạnh của Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt tại hội thảo hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương tổ chức ngày 17/4.

 

Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TH

Xây dựng luật trên tinh thần “6 rõ”

Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt cho biết, Luật Thanh tra (sửa đổi) nhằm sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương;

Đồng thời làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp, giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan Thanh tra.

Ngoài ra, khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra trong thời gian qua như: chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính còn có sự chồng chéo, trùng lắp; bộ máy tổ chức các cơ quan thanh tra còn cồng kềnh, tầng nấc; số lượng tổ chức, công chức lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với tổ chức bộ máy, số lượng biên chế và yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Phó Tổng Thanh tra cho biết, triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Chính phủ.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC Việt Nam khẳng định: Với vai trò là cơ quan bảo vệ Công ước Phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), UNODC đặc biệt chú trọng vào việc sửa đổi Luật Thanh tra.

Đại diện UNODC Việt Nam coi đây là một hành động cụ thể của Chính phủ Việt Nam nhằm thực thi Công ước UNCAC, mà Việt Nam là một quốc gia thành viên từ năm 2009.

"Sự kiện này là một bước tiếp nối quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa UNODC và Thanh tra Chính phủ trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng," đại diện UNODC Việt Nam nhấn mạnh.

Ngày 13/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), trong đó nêu rõ dự thảo Luật đã thể chế đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127 và Kết luận số 134. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật do Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ tại Tờ trình số 518 ngày 28/3/2025. Thừa uy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cũng đã ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo Phó Tổng Thanh tra, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc là quán triệt và thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.

“Quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật: Chỉ quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong dự thảo Luật, không quy định các vấn đề quá cụ thể, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đã được quy định tại các văn bản khác. Thực hiện theo tinh thần 6 rõ: Rõ nội dung kế thừa; rõ nội dung lược bỏ; rõ nội dung sửa đổi, hoàn thiện; rõ nội dung bổ sung; rõ nội dung cắt giảm thủ tục hành chính; rõ nội dung phân cấp, phân quyền”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Nhiều nội dung luật được góp ý bổ sung, sửa đổi

Phó Tổng Thanh tra chia sẻ, dự thảo Luật đã thể chế hóa kịp thời, đúng chủ trương, quan điểm của Đảng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới mang tính cách mạng về tổ chức và hoạt động thanh tra.

Trong đó nổi bật là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan Thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất, một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; phân định thanh tra với kiểm tra; các cơ quan không còn tổ chức thanh tra thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy định pháp luật; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của các cơ quan thanh tra...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Tại hội thảo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao về cơ bản đồng ý với dự thảo luật; đồng thời cho biết, trong luật hiện hành có khoản 1 Điều 115 có quy định về thanh tra ngành kiểm sát và tòa án. Nhưng theo Luật sửa đổi bây giờ thì các quy định về thanh tra ngành kiểm sát không được kết cấu những quy định này nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là hoạt động thanh tra của Viện KSND Tối cao và Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao sẽ như thế nào?

Vị này cho rằng, theo kết luận của Bộ Chính trị thì chỉ kết thúc thanh tra ở các bộ, ngành, còn thanh tra TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao chưa được đề cập đến.

Nói về nghiệp vụ thanh tra của Viện KSND Tối cao, chủ yếu thanh tra ngành và và phòng, chống tham nhũng. Do vậy, Viện KSND cần phải có chức năng thanh tra. Lý do đưa ra, đại diện Viện KSND cho rằng, về mặt nhiệm vụ thì Thanh tra Chính phủ không thể làm thanh tra các hoạt động về truy tố, về xét xử, do vậy cần phải có một cơ quan riêng thanh tra về vấn đề này.

Do đó, đại diện Viện KSND đề nghị cơ quan soạn thảo Luật thiết kế quy định thanh tra của Viện KSND nói riêng và TAND nói chung trong một điều, khoản nào đó để hoạt động thanh tra của Viện và Tòa diễn ra được như luật hiện nay, có thể bổ sung một khoản hoặc giữ nguyên Điều 115.

Đại diện Thanh tra Bộ Công an cơ bản đồng ý với dự thảo luật. Tuy nhiên, đại diện Bộ này cho rằng, dự luật cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của các cơ quan Thanh tra trong Bộ Công an, bao gồm Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý và Thanh tra Công an tỉnh. Cần quy định cụ thể về thẩm quyền và mối quan hệ giữa các cơ quan Thanh tra này.

Đồng thời, đề xuất quy định thời hạn thanh tra tối đa là 45 ngày đối với Thanh tra Bộ Công an và 30 ngày đối với các cơ quan thanh tra cấp dưới. “Nếu không quy định cụ thể thời hạn thanh tra trong luật, sẽ gặp khó khăn trong quá trình ban hành nghị định”, vị này nói.

Tại hội thảo, đại biểu các bộ, ngành, địa phương cũng đã tham gia góp ý cụ thể vào từng nội dung dự thảo Luật như thời hạn thanh tra, thẻ thanh tra, thời hạn ban hành kết luận thanh tra, trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra, thanh tra lại, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, sửa kết luận thanh tra...

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt đánh giá cao ý kiến góp ý cao của các đại biểu, đồng thời đề nghị tổ biên tập tiếp thu, ghi nhận và chỉnh sửa phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi).

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm