A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắc Lắk: Nhu cầu sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ đập rất lớn

 Tuy có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước nhưng diện tích được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi ở Đắk Lắk đang chỉ đạt gần 23%. Do đó, nhu cầu đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước ở Đắk Lắk rất lớn.

Đắc Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 650 nghìn ha. Nhóm cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho gần 70% lao động của tỉnh.

Là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng, do đó, nhu cầu phát triển các công trình thủy lợi tưới cho diện tích đất canh tác nông nghiệp và hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến tiết kiệm nước ở Đắc Lắk rất lớn, cấp thiết, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp hàng năm của địa phương.

Được sự quan tâm của Trung ương cùng sự đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, đến nay, Đắc Lắk đã đầu tư xây dựng được 848 công trình thủy lợi, đứng thứ hai cả nước về tổng số hồ đập, gồm: 613 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3 nước, 159 đập dâng và 76 trạm bơm, 2 hệ thống đê bao. Trong số này có 4 hồ đặc biệt quan trọng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang đầu tư xây dựng, có tổng dung tích gần 400 triệu m3 nước.

Tràn xả lũ hồ chứa nước Đắc Diêng Krai, xã Krông Nô, huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk hư hỏng nặng (Ảnh: QĐND) 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắk cho biết, tổng diện tích được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi mới chỉ đạt khoảng trên 150 nghìn ha, chiếm 23% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh.

Đa số các hồ, đập được xây dựng từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm khai thác và chịu nhiều tác động của thiên nhiên, đặc biệt là mưa lũ hàng năm nên nhiều hồ, đập đã xuống cấp trầm trọng, năng lực tưới giảm, nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ rất lớn.

Từ năm 2014, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua một nghị quyết về an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để xem xét, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ, đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên mới nâng cấp, sửa chữa được 77/307 hồ, đập, đạt tỷ lệ 25%.

Hiện vẫn còn nhiều công trình hồ chứa thủy lợi đã bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão năm nay. Nhiều thân đập của các hồ chứa bị sạt lở, xói lở sâu vào thân đập, bị sụt lún, xói ngầm, thấm qua đập. Trong đó, việc xuống cấp, hư hỏng tại các hồ chứa thuộc quản lý của các Công ty cà phê thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam được xác định là nghiêm trọng nhất.

Các công trình đã hư hỏng nặng rất cần phải sửa chữa gấp nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, người dân vùng hạ du, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác. Ông Nguyễn Thành Long cho biết thêm, hiện nay, Đắc Lắk đã rà soát, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 86 hồ chứa với tổng kinh phí trên 25,6 nghìn tỷ đồng.

Nhu cầu vốn như vậy là rất lớn nên tỉnh đề nghị Trung ương hết sức quan tâm, đầu tư các nguồn kinh phí để nâng cấp sửa chữa các hồ đập mất an toàn. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng công ty Cà phê Việt Nam chuyển giao những hồ đập do các công ty cà phê đang quản lý về cho địa phương để đánh giá, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đưa vào quản lý, vận hành khai thác, đảm bảo an toàn và phù hợp các quy định hiện nay.

Hồ thủy lợi Ea Tam đang được đầu tư xây dựng có dung tích trên  1 triệu m3 nhằm phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt cho 25 nghìn người dân thành phố Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận (Ảnh: Phương Liên)

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, tỷ lệ hồ chứa không an toàn của tỉnh Đắk Lắk hiện đang đứng đầu cả nước. Vì vậy, công tác sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ cần đặc biệt quan tâm.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cần đề nghị bàn giao các công trình hồ chứa thuộc các nông, lâm trường trước đây về ngành quản lý; đồng thời tiếp tục rà soát, tham mưu sửa chữa, nâng dung tích chứa các hồ nhỏ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu lựa chọn, sửa chữa, xây dựng một số đập dâng phù hợp hiện nay trở thành hồ chứa để chủ động nguồn nước nhiều năm, phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai.

Thời điểm này, Đắk Lắk đang trong giai đoạn cuối mùa khô, thời tiết hanh khô, hầu như không có mưa, trong khi nhu cầu nước tưới cho các loại cây trồng rất cao. Để tiết kiệm nước tưới, bà con nông dân một số nơi trong tỉnh đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như: tưới cục bộ tại gốc, tưới nhỏ… đối với cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho thiết bị lắp đặt tưới tiết kiệm lên tới 60 - 70 triệu đồng/ha là quá cao nên rất khó để nhân rộng./.

 
Phương Liên

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm