A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 15/6: “Hạ nhiệt” giá xăng thông qua đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường

Hiện thuế bảo vệ môi trường với giá xăng đã giảm ở mức 2.000 đồng/lít, dư địa vẫn còn và có thể giảm tối đa 2.000 đồng/lít còn lại đối với loại thuế này.

Báo Người lao động ngày 14/6 có bài: “Xem xét giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường để “hạ nhiệt” giá xăng dầu”.

Bài báo dẫn lời đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, cần kìm đà tăng của giá xăng dầu, giảm thiểu tác động của việc tăng giá xăng đến đời sống người dân, người lao động và phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng đã giảm ở mức 2.000 đồng/lít, dư địa vẫn còn và có thể giảm tối đa 2.000 đồng/lít còn lại đối với loại thuế này. Do đó, bà Nga kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, xem xét để trình Quốc hội phương án giảm thuế đối với xăng dầu.

Cũng theo bài báo, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang dự kiến đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trong khi đó, bên cạnh giải pháp về thuế, bà Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đẩy mạnh sản xuất trong nước và có thể tính đến giải pháp an sinh xã hội nếu cần thiết.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 15/6: “Hạ nhiệt” giá xăng thông qua đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường
Xăng dầu tăng sẽ tác động đến kiểm soát lạm phát

Cũng liên quan đến vấn đề trên, tờ Lao động nêu quan điểm: “Dư địa kìm chế giá xăng dầu tối ưu hiện chỉ có thể tập trung vào thuế”

Bài báo cho rằng, thời điểm 15h ngày 13/6, giá xăng tiếp tục lập đỉnh mới khi xăng RON95 đã tăng lên mức 32.370 đồng/ lít. Xăng dầu tăng giá chính là một trong những nhân tố chính tác động mạnh nhất đến tình trạng lạm phát.

Để giảm giá xăng dầu, trên thực tế, thời gian qua các giải pháp và công cụ để điều tiết giá xăng dầu đã được sử dụng tới và cũng đã đóng góp tích cực giúp kìm chế giá xăng dầu trên thị trường tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi các công cụ đã được sử dụng nhưng tình hình giá xăng dầu trên thế giới vẫn chưa thể giảm nhiệt, dư địa để điều tiết và kìm chế việc tăng giá xăng dầu hiện hầu như chỉ còn có thể trông chờ vào thuế.

Nói về tác động của giá xăng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tờ Tuổi trẻ ngày 15/6 có bài: “Cước vận tải đua theo giá xăng, nhiều nhà xe “chịu hết nổi” vì càng chạy càng lỗ”.

Bài báo dẫn lời ông Đào Ngọc Tuấn - chủ nhà xe Tuấn Duyên chạy chuyến TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội cho biết: Chi phí cho một chuyến xe Bắc - Nam trước đây chỉ khoảng 15 triệu đồng, nay tăng lên 30 triệu đồng, chưa tính khấu hao.

Chi phí tăng nhưng lượng khách chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch, càng chạy càng lỗ nên doanh nghiệp dang tính đến phương án bán xe. “Nhưng với giá xăng dầu quá cao hiện nay, việc bán được xe với giá doanh nghiệp mong muốn lại là câu chuyện khó” - ông Đào Ngọc Tuấn cho biết.

Trước thực trạng giá xăng tăng, theo bài báo, nhiều doanh nghiệp vận tải đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm tính toán giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu, hạn chế việc tăng giá đầu vào cho hàng hóa, gây áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 15/6: “Hạ nhiệt” giá xăng thông qua đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường
Nhiều doanh nghiệp vận tải đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm tính toán giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu

Liên quan đến vấn đề gian lận thương mại, tờ Hải quan đưa thông tin: “Hải quan Đồng Tháp chủ động bắt nhiều vụ hàng cấm, hàng lậu”

Theo bài báo, nổi cộm trong các vụ vi phạm do Cục Hải quan Đồng Tháp bắt giữ trong thời gian gần đây là mặt hàng thuốc lá lậu. Ngày 11/6, nhận tin báo của quần chúng, có đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu từ biên giới về tập kết trong nội địa, Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Công an xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự kiểm soát trên tuyến đường từ bến phà Mương Lớn đi cầu Cái Vừng, thuộc ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B đã phát hiện, bắt giữ 1.380 gói thuốc lá ngoại nhập lậu các loại.

Về vấn đề xuất khẩu nông sản, tờ Quân đội nhân dân đặt câu hỏi: "Dư địa nào cho trái cây Việt tăng trưởng, phát triển?".

Theo bài báo, hơn 10 năm qua, xuất khẩu trái cây và rau củ nói chung của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vươn lên trở thành một trong số mặt hàng mang lại nhiều nguồn ngoại tệ cho quốc gia. Hiện mặt hàng trái cây và rau củ tươi (chủ yếu là trái cây) của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trái cây và rau củ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Bài báo dẫn lời các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu việc sản xuất, chế biến trái cây được thực hiện bài bản, khoa học, đồng bộ, cùng với mở rộng phát triển thị trường, trong tương lai gần, mặt hàng trái cây Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 7-8 tỷ USD, thậm chí 10 tỷ USD/năm. Khi đó, trái cây Việt Nam sẽ dần đóng “vai chính” trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm