A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chất lượng cán bộ sẽ đánh giá bằng "KPI", sản phẩm công việc

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tới đây sẽ có ban hành nghị định riêng về đánh giá cán bộ, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung...

Thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (đoàn Yên Bái) cho biết, đây là dịp để thay đổi toàn diện tư duy, triết lý cho nền công vụ và công chức nước ta.

Trong đó, xác lập rất rõ vị trí việc làm vì đó sẽ là công cụ, sợi chỉ xuyên suốt, là trung tâm, cốt lõi trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.

Theo Bộ trưởng, lần sửa đổi này vẫn giữ ngạch công chức trong vị trí việc làm. Đây được xem là công cụ kỹ thuật để phân định thứ bậc cho công vụ của nước ta, nếu bỏ đi sẽ rất khó phân định.

"Chúng ta vẫn giữ ngạch để triển khai và thực hiện cải cách tiền lương. Nếu bỏ ngạch công chức đi sẽ rất khó thiết kế các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách", Bộ trưởng cho biết thêm.

Chất lượng cán bộ sẽ đánh giá bằng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (đoàn Yên Bái).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, phải khắc phục được tư duy biên chế suốt đời. Vì vậy phải thiết kế “có vào, có ra”, dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời.

Muốn như vậy phải thực hiện hai công cụ gồm đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, vị trí việc làm). Đây là một xu hướng chung trên thế giới.

"Tới đây sẽ có ban hành nghị định riêng về đánh giá cán bộ, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung", Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm.

Cũng góp ý về dự án luật này, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) tán thành với mục tiêu, quan điểm, nội dung cơ bản của dự thảo luật; đồng thời đề nghị nhấn mạnh thêm quan điểm sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công vụ, đội ngũ cán bộ công chức minh bạch, hiệu quả.

Ông cũng ưu ý rà soát thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, đảm bảo tính liên thông trong hệ thống chính trị, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; có các quy định ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý cán bộ, nhất là số hóa quy trình tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, giảm thủ tục phiền hà, rườm rà.

Góp ý quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức tại mục 3 Chương 4 của dự thảo luật, có ý kiến đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, bởi vị trí việc làm bao gồm cả ngạch công chức, do đó để đảm bảo tính khả thi, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá, quy định rõ ràng cụ thể, trong đó có cơ chế vị trí chức danh, ngạch công chức và chỉ tiêu biên chế.

“Đối với quy định về đánh giá cán bộ công chức của dự thảo luật, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng các cơ chế đánh giá dựa trên KPI, đánh giá dựa trên ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp… Từ đó đảm bảo công tác đánh giá cán bộ, công chức minh bạch, rõ ràng hơn”, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị rà soát các quy định tạo động lực cho cán bộ, công chức, trong đó có chính sách lương, thưởng, gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc; nghiên cứu hệ thống lương đảm bảo quyền lợi và động lực cho cán bộ công chức làm việc.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm