Xây dựng, kết nối cung - cầu lao động
Ngày 24/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị phát triển nguồn nhân lực tỉnh với sự tham gia của hơn 400 đại biểu là người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách nhân sự tại các doanh, đại diện sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Vĩnh Phúc hiện có 8.593 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 251.000 lao động; trong đó, lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm 56,2%, công nhân kỹ thuật không bằng cấp chiếm 21,5%...
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh, Vĩnh Phúc là một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năng động, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, với các khu công nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc cung ứng lao động của tỉnh còn hạn chế, tình trạng thiếu lao động cục bộ xảy ra, xuất hiện “lãng phí” nhất định lao động qua đào tạo, có tay nghề của một số nhóm ngành. Để xây dựng được lực lượng lao động chất lượng cao, có tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc độc lập và có ý thức chấp hành kỷ luật, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tỉnh cần chú trọng kết nối cung - cầu lao động để sử dụng hợp lý, hiệu quả nhân lực hiện có, có chính sách phù hợp về đào tạo nghề, cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Arcadyan Technology Việt Nam cho biết, Công ty đang sử dụng gần 4.300 lao động, trong đó khoảng 79,3% lao động chưa qua đào tạo. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sản xuất, kinh doanh, bên cạnh lao động chính thức, doanh nghiệp còn sử dụng khoảng 10% là lượng lao động thuê lại. Hiện doanh nghiệp hợp tác với 3 nhà cung ứng lao động với khả năng cung cấp khoảng 250 - 300 người trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp và đơn vị cung ứng, Công ty cho rằng cần minh bạch hóa thông tin để các bên xác định rõ nhu cầu, điều kiện của đối tác và khả năng đáp ứng; thiết lập quy trình phối hợp chuyên nghiệp; tổ chức đánh giá định kỳ sau mỗi đợt tuyển dụng, chia sẻ phản hồi, khó khăn, đề xuất kỳ vọng của mỗi bên và cải tiến quy trình hợp tác phù hợp, hiệu quả hơn…
Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất hàng may mặc Việt Nam cho biết, trong năm 2025, Công ty dự kiến mở rộng thêm 10 chuyền sản xuất nên sẽ cần tuyển mới 800 lao động. Đến nay, Công ty đã tuyển dụng được 46% nhu cầu. Tuy vậy, việc tuyển dụng đang gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh với các công ty khác trong khu vực. Lao động trẻ ít quan tâm đến ngành may; yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật sản phẩm của Công ty cao trong khi lao động ứng tuyển chủ yếu là chưa có tay nghề; lao động tại chỗ dần khan hiếm.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khẳng định, lao động là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp, vấn đề về lao động đang trở nên cấp thiết, trở thành bài toán cần sớm có lời giải. Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, từng bước tiếp cận các chuẩn mực lao động trong khu vực và quốc tế.
Ông Trần Duy Đông đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng theo nhu cầu sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; thường xuyên thông tin cho người lao động, doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của người lao động,
Tại tọa đàm, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ngành đã trực tiếp đối thoại, giải đáp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, người lao động trong tuyển dụng, sử dụng lao động và đào tạo nghề.
Dịp này đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc, thể hiện sự đồng hành, gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động, góp phần giải quyết bài toán cung - cầu nhân lực hiệu quả./.
Nguyễn Thảo