Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng: Định hướng và giải pháp trọng tâm
Vùng Đồng bằng sông Hồng luôn được xem là địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo.
Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu những định hướng rất quan trọng, cơ bản nhằm phát triển vùng đất mang tính chiến lược quan trọng của đất nước với nhiều tiềm năng phát triển.
Lợi thế lớn
Vùng Đồng bằng sông Hồng luôn được xem là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới. Đặc biệt, đây là nơi có Thủ đô Hà Nội - hạt nhân phát triển vùng, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ.
Kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại |
Về quy mô kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 29,4% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước. Cơ cấu chuyển dịch của vùng tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao. Kinh tế biển phát triển, đặc biệt Hải Phòng, Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển, dịch vụ cảng biển lớn của cả nước... Kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải vùng Đồng bằng sông Hồng đồng bộ, hiện đại. Thu hút FDI vùng tăng khá nhanh, đến năm 2020, đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế...
Tất cả những tiềm năng, lợi thế trên cho thấy, vùng Đồng bằng sông Hồng phải là nơi đi đầu cả nước liên kết nội vùng và ngoại vùng, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".
Chương trình hành động của Chính phủ
Thực hiện các tư tưởng chỉ đạo nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 8/2/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 14/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Chương trình xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%... Đây đều là các mục tiêu đòi hỏi quyết tâm, sự phấn đấu nỗ lực rất cao để bứt tốc phát triển ở bối cảnh mới, tạo đà cho giai đoạn đến năm 2045.
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW được Bộ Chính trị tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật một loạt nhiệm vụ giải pháp chủ yếu về kinh tế, đầu tư, thương mại và dịch vụ. Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, gồm cả thể chế đặc thù; bảo đảm ổn định thể chế, luôn bám sát thực tiễn, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển; đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác mọi tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Trong giai đoạn hiện nay, vẫn phải coi trọng phát triển nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế; bảo đảm nông thôn hiện đại... Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng hiện đại, đa dạng; trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng, các trung tâm du lịch tầm khu vực và quốc tế, trên cơ sở phát huy bản sắc độc đáo riêng có; gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch...
Các giải pháp của Bộ Công Thương
Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Công Thương có vai trò rất quan trọng trong việc đưa Nghị quyết số 30-NQ/TW vào cuộc sống cũng như thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chương trình hành động của Chính phủ. Trong vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh đến các giải pháp cần tập trung thực hiện từ góc độ ngành Công Thương.
Trước hết, các địa phương trong vùng cần tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong các nghị quyết chuyên đề của trung ương ban hành thời gian gần đây.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển các ngành công nghiệp, trong đó, xác định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển.
Thứ ba, cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp để sắp xếp, phân bố không gian phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng theo nguyên tắc liên kết nội vùng và liên vùng đồng bộ với liên kết ngành công nghiệp trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.
Thứ tư, hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ năm, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh của vùng.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính phủ điện tử, xây dựng chính quyền số. Tập trung rà soát, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp.