A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều chuyển biến tích cực trong chăm sóc sức khỏe người dân miền núi

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng hệ thống y tế cơ sở, việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam ngày càng được đảm bảo.

Đông Giang là 1 trong 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, nhiều xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Ảnh Đ.Minh)
Đông Giang là 1 trong 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, nhiều xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Ảnh Đ.Minh)

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó nhiều xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với đặc thù vùng cao, miền núi nên điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương này còn nhiều khó khăn. Vì thế, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế.

Phát huy hệ thống y tế cơ sở

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Nam ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó việc triển khai có hiệu quả Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi về chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em bước đầu đã cho thấy những chuyển biến trong công tác dân số, chăm sóc sức khỏe vùng DTTS.

Bác sĩ CKI A Lăng Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang chia sẻ, mặc dù là trung tâm y tế miền núi còn nhiều khó khăn, các y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Đông Giang đã không ngừng nỗ lực, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch trước khi chuyển lên tuyến trên.

Người dân huyện miền núi Đông Giang ngày càng tin tưởng vào các y bác sĩ tại bệnh viện tuyến cơ sở (Ảnh Đ.Minh)
Người dân huyện miền núi Đông Giang ngày càng tin tưởng vào các y bác sĩ tại bệnh viện tuyến cơ sở (Ảnh Đ.Minh)

Theo bác sĩ CKI A Lăng Thị Phương, do khoảng cách di chuyển xa, điều kiện đi lại khó khăn nên khi đến được trung tâm, bệnh nhân đã không còn sức. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và tinh thần “tất cả vì người bệnh”, đội ngũ y bác sĩ của trung tâm đã cứu sống kịp thời và thành công nhiều ca bệnh nặng, có khi tưởng chừng không qua khỏi.

Đây thực sự là cố gắng rất lớn của chúng tôi, trong điều kiện của một bệnh viện tuyến cơ sở ở miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cũng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các đợt khám sàng lọc bệnh thường gặp, tư vấn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi trên địa bàn, góp phần giúp người dân hiểu hơn về vai trò của sức khỏe.

Đội ngũ nhân viên y tế thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai lồng ghép tuyên truyền về sức khỏe sinh sản; tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em; phòng, chống các bệnh theo mùa như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết... cho đồng bào DTTS trên địa bàn, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, ngành Y tế huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị y tế. Đến nay, 11 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có bác sĩ hoạt động, nhiều thiết bị y tế hiện đại được trang bị, đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân.

Các trạm y tế xã đã trở thành địa chỉ tin cậy của đồng bào DTTS mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Chị A Lăng Úy (trú xã sông Kôn, huyện Đông Giang) chia sẻ, chúng tôi là người dân thuộc hộ nghèo nên gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe nói chung. Tuy nhiên thời gian quan vẫn được Trung tâm Y tế, trạm y tế thăm khám, điều trị bệnh nên rất vui.

“Lúc tôi mang thai được bác sĩ khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp chăm sóc sức khỏe sinh sản của cán bộ y tế tại nhà, phụ nữ có con nhỏ được tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng. Nay các trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện có đầy đủ máy móc thiết bị, thuốc men và đội ngũ y, bác sĩ khám có chuyên môn nên không phải đi xa như trước, hay trước kia chỉ khi đau ốm nặng mới đi khám, thì giờ đây thông qua việc triển khai khám sàng lọc giúp phát hiện bệnh sớm, được các bác sĩ tư vấn điều trị, cấp thuốc.” chị A Lăng Úy nói.

Nhận thức đổi thay, người dân tin vào kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại, đẩy lùi dần những hủ tục lạc hậu như tục cúng con ma rừng, thầy mo cúng, tự hái lá chữa khiến bệnh nặng hơn...

TTYT huyện Đông Giang nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu và mua sắm nhiều trang thiết bị y tế, người dân không phải đi khám xa như trước (Ảnh Đ.Minh)
TTYT huyện Đông Giang nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu và mua sắm nhiều trang thiết bị y tế, người dân không phải đi khám xa như trước (Ảnh Đ.Minh)

Cũng đi khám bệnh, anh Bnướch Miên cho hay, anh bị bệnh dạ dày, trước kia mỗi lần đau hái lá rừng giã lấy nước uống nhưng không đỡ. Nghe lời con, anh đến bệnh viện siêu âm, biết chính xác bệnh và được bác sĩ cho thuốc uống. Bệnh thuyên giảm, Bnướch Miên ngày càng tin vào các y bác sĩ. Hễ có bệnh là anh tìm đến cơ sở y tế.

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang thông tin, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã hỗ trợ cho ngành Y tế huyện Đông Giang hơn 2 tỷ đồng.

Qua đó, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang phối hợp với các địa phương triển khai khám sàng lọc sức khỏe cho người cao tuổi, tư vấn sức khỏe cho người dân, tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn cho lứa tuổi vị thành niên trước khi kết hôn...giúp bà con nâng cao ý thức giữ gìn sức khoẻ.

Được biết, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho đồng bào DTTS. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 hơn 48,8 tỷ đồng. Đến nay đồng bào DTTS tại các xã biên giới được cấp hơn 245.178 thẻ BHYT, đạt hơn 95%.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 đã thể hiện sự quan tâm xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đối với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Tháng 10/2024 ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai chiến dịch khám sàng lọc, phát hiện, tư vấn điều trị một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại 70 xã khu vực I, II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 8 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức và Núi Thành.

Nhiều hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch được triển khai như khám sức khỏe tổng quát, khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, tim mạch, mắt, da liễu, răng hàm mặt, tai mũi họng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm đường huyết…

Tăng cường phòng, chống dịch

Theo ngành y tế, các loại dịch bệnh thường xuất hiện ở các huyện miền núi trong mùa mưa là sốt rét, sốt siêu vi, bạch hầu, viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, tay chân miệng...Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.259 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 18/18 huyện/thị xã/thành phố, không có trường hợp tử vong, ghi nhận và xử lý 41 ổ dịch tại 26 xã/phường/thị trấn của 10 huyện/thị xã/thành phố.

Công tác Tuyên truyền sốt xuất huyết cho học sinh
Công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết cho học sinh

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng hạn chế dịch bệnh lây lan diện rộng, tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Tại huyện miền núi Đông Giang, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu từ cuối tháng 7, mỗi ngày Trung tâm Y tế huyện có 3 - 5 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và nhập viện. Do đó, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổ chức phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy, mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt, nhằm ngăn chặn lây lan ra diện rộng.

Bác sĩ CKI A Lăng Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao nên đến các cơ sở y tế khám và điều trị, không nên chủ quan tự mua thuốc uống ở nhà.

Phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình
Phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình
Cán bộ y tế CDC Quảng Nam đang thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại cho người dân
Cán bộ y tế CDC Quảng Nam đang thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại cho người dân

Ngoài chủ động các biện pháp ngăn chặn bùng phát dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang diễn biến phức tạp và gia tăng đáng báo động, đặt ra vấn đề về quản lý việc tiêm vắc xin cho chó, mèo để phòng bệnh dại.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam có 10 ổ dịch dại động vật tại các địa phương TP Hội An, thị xã Điện Bàn, các huyện Đông Giang, Hiệp Đức, Quế Sơn; trong đó thị xã Điện Bàn ghi nhận đến 4 ổ dịch; và chỉ riêng tháng 9, toàn tỉnh xảy ra 8 ổ dịch.

Ngoài ra, thống kê từ Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam có 1 người tử vong do mắc bệnh dại lâm sàng. Chưa kể, trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 5.083 người bị chó, mèo cắn, cào, phải đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này có 667 trường hợp chó, mèo có biểu hiện bệnh, lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.

Do đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu các địa phương thành lập ngay đoàn công tác do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại.

Yêu cầu tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo phải đạt từ 70% của tổng đàn. Đối với các vùng phát hiện ổ dịch và địa phương thuộc vùng uy hiếp, phải đạt tỷ lệ 100% tổng đàn được tiêm phòng.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu phát triển hệ thống y tế hiện đại, đồng bộ, cân đối giữa các địa phương trong tỉnh, giữa y tế dự phòng, phục hồi chức năng với y tế điều trị… Dự kiến 26 cơ sở y tế tuyến huyện và tỉnh sẽ được nâng cấp, cải tạo và xây mới.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm