A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thủ đô (sửa đổi) để Hà Nội phát triển đa dạng, bền vững

Các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã đóng góp những ý kiến xác đáng trong nội dung quan trọng sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi) để Hà Nội phát triển đa dạng, bền vững.

Quang cảnh Tọa đàm

Sáng 28/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố (TP) Hà Nội và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức Tọa đàm “Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

16 chính sách, 4 định hướng lớn

Khai mạc toạ đàm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh: Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Thủ đô cho thấy, Luật đã phát huy hiệu quả trong một số cơ chế chính sách, giúp Thủ đô được thụ hưởng những đặc thù. Tuy nhiên nổi lên từ thực tiễn cho thấy một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là những quy định pháp luật sau khi Luật Thủ đô được ban hành, sửa Hiến pháp năm 2013 và ban hành một loạt luật, nghị định thì một số nội dung, cơ chế chính sách của Luật Thủ đô cũng như nghị định, nghị quyết của HĐND TP đã không phát huy được tác dụng. Quá trình tổ chức thực hiện Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có phối hợp vào cuộc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện của các bộ ngành Trung ương.

Trong quá trình xây dựng dự thảo và đề xuất cơ chế chính sách một số nội dung để tổng kết 10 năm thi hành Luật, UBND TP, Ban Chỉ đạo và Tổ công tác đã tổ chức một số tọa đàm và lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng như có sự phối hợp của các tỉnh/thành phố trong Vùng Thủ đô.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Tọa đàm hôm nay sẽ tiếp thu các ý kiến thẳng thắn để chọn lọc, từ đó Đoàn ĐBQH TP sẽ phối hợp UBND TP tổng hợp, báo cáo Thành ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, nhằm xây dựng Dự thảo Luật có chất lượng nhất, báo cáo Bộ Chính trị dự kiến trong tháng 3/2022.

Trình bày báo cáo giải trình một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, quan điểm xây dựng luật nhằm sửa đổi toàn diện trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô hiện hành, đồng thời mở rộng, nâng cấp một số cơ chế chính sách đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô gồm 16 chính sách, tập trung vào 4 định hướng lớn: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô;

Tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực: tổ chức bộ máy chính quyền, biên chế, tài chính – ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, an sinh xã hội, nông nghiệp, giữ gìn an ninh trật tự... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của Thành phố;

Xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội;

Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của Vùng, của đất nước….

Đề xuất cơ chế, chính sách mới phải ưu việt, vượt trội

Phát biểu tại tọa đàm, đa số các ĐBQH đồng tình, thống nhất với chủ trương và những cơ chế, chính sách nhằm sửa đổi Luật Thủ đô. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô phải khác với các địa phương khác, mạnh dạn trao quyền cho người đứng đầu song song với xử lý nghiêm vi phạm trong phân cấp, phân quyền nhưng cần làm rõ cơ chế chính sách phân quyền.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ĐBQH TP Hà Nội góp ý sửa đổi Luật Thủ đô 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội hơn là trung tâm kinh tế để có định hướng phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách cần cân nhắc tính dài hạn; chính sách của Thủ đô cũng cần bảo đảm quan hệ chặt chẽ đến các chính sách của các địa phương khác... “Bài toán của Thủ đô không thuần túy là quản trị đô thị mà phải bảo đảm phát triển đa dạng, bền vững“, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Đề cập chính sách thu hút nhân tài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu, với Thủ đô quan trọng nhất không phải là “thu hút” mà là chính sách “giữ chân”, phát triển và sử dụng nhân tài. Trong quy hoạch, các trường đại học tại TP đang rất phân tán, khiến khung cảnh giáo dục đại học rất tản mạn, cần được quy hoạch lại, sao cho thuận tiện giao thông. Vấn đề bố trí đủ trường, lớp nhất là cho những khu đông dân, khu đô thị ven đô cũng cần có chế tài mạnh. Đồng thời, nên đề xuất cơ chế ưu tiên đất đai cho phát triển các trường học tư, trường quốc tế trên địa bàn…

Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường, ĐBQH TP Hà Nội đồng tình với đề xuất Hà Nội cần tinh gọn bộ máy, phân quyền phân cấp và trao quyền rất rõ cho người đứng đầu. Tuy nhiên, cần có một cơ chế riêng về trao quyền người đứng đầu; có chính sách tăng phân quyền cho cấp quận huyện. Đồng thời có chính sách thu hút nhân tài, có cơ chế cho họ phát huy được năng lực, đúng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và trả lương xứng đáng vị trí đó, mới thực sự trọng dụng nhân tài.

Tập trung vào cơ chế, chính sách về y tế của TP Hà Nội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Medlatec Group, ĐBQH TP Hà Nội cho rằng quá trình sửa đổi luật cần tập trung vào 4 vấn đề, gồm: xây dựng hệ thống y tế Thủ đô cần gần dân hơn; tập trung hơn; chuyên sâu hơn và phát triển mạnh mẽ khám, chữa bệnh từ xa.

Một số đại biểu đề xuất cần tháo gỡ bất cập về thủ tục để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, có cơ chế chính sách hỗ trợ tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao của Thủ đô; về chính sách về đất đai, TP cần tự định giá sát giá thị trường, nhưng cần cân nhắc lại việc quản lý nhà đất bỏ hoang… Các ĐBQH và chuyên gia cũng đề nghị TP rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách sửa đổi Luật Thủ đô với các quy định pháp luật có liên quan, quan tâm lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động bởi các chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng báo cáo đánh giá tác động của các chính sách; có cơ chế cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm quỹ đất sạch cho quy hoạch...

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại tọa đàm 

Thay mặt Ban Tổ chức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát phải đưa được những quan điểm, định hưởng lớn; kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được thi thực thi luật hiện hành và điều chỉnh và bổ sung mới những cơ chế, chính sách... theo tinh thần nội dung đề xuất cơ chế, chính sách mới phải ưu việt, vượt trội hơn chính sách cũ và bảo đảm tính khả thi... Trong đó, chú ý nguyên tắc pháp luật áp dụng được Luật Thủ đô với những tính năng vượt trội và có tính dẫn dắt, gắn với những luật chuyên ngành.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khẳng định sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến, báo cáo Thường tực Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện, nhất là đánh giá tác động của những cơ chế chính sách hiện nay; đồng thời tiếp tục tổ chức các tọa đàm để thu thập thêm những góp ý, nhằm xây dựng được dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với chất lượng cao nhất./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm