A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Long An: Kinh tế hợp tác xã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

 ​Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã có vai trò quan trọng phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Long An. Hằng năm, lĩnh vực kinh tế tập thể đóng góp trung bình khoảng 0,15% GDP của toàn tỉnh.

 Nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tính đến ngày 31/5/2022 toàn tỉnh Long An có 216 hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp, với 5.589 thành viên tham gia. Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hằng năm, lĩnh vực KTTT đóng góp trung bình vào khoảng 0,15% GDP của toàn tỉnh.

Điểm sáng về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, 16 HTX điểm và 4 HTX điển hình về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 3 cây, 1 con (cây lúa, thanh long, rau và con bò) trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho thành viên, doanh thu cho HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Đáng chú ý, nhiều HTX đã tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Tiêu biểu như: HTX Nông nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) được chọn xây dựng điển hình về cây rau đang phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. HTX đã xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp bảo đảm chất lượng, có chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn cho hơn 100 thành viên cùng nhiều hộ liên kết. Hiện, diện tích sản xuất của HTX theo quy trình VietGAP đạt hơn 30ha, trong đó bảo đảm có nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm tự động, sử dụng phân hữu cơ vi sinh... Điều đáng ghi nhận của HTX là đã liên kết tiêu thụ với các siêu thị, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh với số lượng rau cung ứng khoảng 7 tấn/ngày. HTX còn có chính sách thu mua nông sản của thành viên với giá cao hơn thương lái để bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân.

HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa là đơn vị tham gia xây dựng mô hình thí điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm”. Hiện HTX có quy mô diện tích sản xuất 600 ha, 328 hộ tham gia (trong đó 32 hộ thành viên chính thức và 296 hộ thành viên liên kết). HTX đã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất: Khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, tưới, tiêu nước, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy và bảo quản.

Bên cạnh đó, HTX cũng đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiệu thụ với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu 600 ha. Bên cạnh đó, HTX liên kết với Công ty TNHH Lúa Gạo Việt Nam (Vinarice) với diện tích là 600 ha và diện tích còn lại HTX liên kết với các thương lái thu mua khác để tiêu thụ lúa cho thành viên…

Sau một thời gian triển khai, các HTX điểm, điển hình đã trở thành điểm sáng trong hướng phát triển đột phá về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Long An. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện nay Nhà nước đã có những ưu đãi, cùng với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với sự phát triển của các HTX. Vì vậy, HTX không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên; doanh thu, lợi nhuận của các HTX tăng, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Đặc biệt, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều HTX đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều (đặc biệt là các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng). Các HTX thực hiện liên kết chuỗi, liên kết với 14 các siêu thị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu…

 Nhiều mô hình HTX ở TP Tân An phát huy hiệu quả trong việc tìm đầu ra cho hội viên.

Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả của các  hợp tác xã

 Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Long An còn nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác tuyên truyền vận động thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên ở các ngành, các cấp, chưa mở rộng đều ở các xã, các thành phần kinh tế, chưa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động. Khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh phát triển về chất lượng nhưng hiệu quả còn thấp, số lượng HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả chưa nhiều, khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước hạn chế. Phần lớn các HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất hàng hóa không đồng đều, chưa năng động, chậm khắc phục khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.... Năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều, trình độ lao động còn thấp; phát triển thiếu tính bền vững, không ổn định…

Trả lời Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Từ quá trình thực hiện phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn cho thấy, việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải có sự quan tâm chỉ đạo và lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp với sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể quần chúng. Thực tiễn cho thấy nơi nào được các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể thì nơi đó có phong trào kinh tế hợp tác phát triển. Các tổ hợp tác, HTX phải chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng chính nội lực của mình, không trông chờ, ỷ lại, phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, chăm lo lợi ích của thành viên, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa thành viên.

Cùng với đó, cần có định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp, xác định sản phẩm kinh doanh và thị trường tiêu thụ rõ ràng, tổ chức hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với lợi ích của các thành viên, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có nghiệp vụ cho kinh tế tập thể là nhân tố có ý nghĩa quyết định; cán bộ quản lý HTX, tổ trưởng THT phải có kiến thức quản lý, có chuyên môn, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình gắn bó với công việc chung.

Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 100 tổ hợp tác, 100 HTX và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tỉnh phấn đấu ít nhất 50% HTX hoạt động hiệu quả và 20% HTX áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có ít nhất 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và ít nhất 10 HTX có sản phẩm trong chương trình OCOP.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh xác định phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành của HTX, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX, xây dựng phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường.../.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm