Long An: Hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung thực hiện Nghị quyết số 91/NQ-CP, ngày 18/6/2024 của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công.
Theo đó, các sở, ngành hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công về đất đai, thuế, phí, tín dụng,... trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật. Các sở, ngành tiếp tục rà soát các chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa và các lĩnh vực xã hội hóa để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát sinh, tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Các đơn vị rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các cơ sở ngoài công lập, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ngoài công lập được thành lập và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm không phát sinh hoặc làm phức tạp thêm thủ tục hành chính đang áp dụng.
Các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc: Nhà nước đảm bảo kinh phí đối với các dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ kinh phí đối với các dịch vụ cơ bản; các dịch vụ công khác không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, xác định giá theo cơ chế thị trường, đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia.
Các ngành xây dựng hoàn thiện phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực; tăng cường trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo chất lượng. Các đơn vị kịp thời xử lý các vướng mắc và cập nhật, bổ sung các chính sách, chế độ cho phù hợp với thực tiễn và kiến nghị kịp thời với các cơ quan chủ trì các chính sách ưu đãi về xã hội hóa (đất đai, tín dụng, thuế...) để hoàn thiện pháp luật.
Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa mang lại nhiều mặt tích cực như: Bước đầu thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công do đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung ứng; đa dạng hóa loại hình, phương thức hoạt động và sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, tạo sự cạnh tranh, phát triển kỹ thuật, thúc đẩy nâng cao chất lượng, góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích các cơ sở sự nghiệp công lập chủ động, phát huy sáng tạo trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội thông qua huy động vốn, liên doanh, liên kết để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ và góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức đơn vị;…
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế như: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể của các đơn vị quản lý ngành, lĩnh vực chưa đầy đủ, đồng bộ và theo kịp tình hình phát triển; mức độ xã hội hóa trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công không đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, loại hình dễ thu lợi nhuận và ở các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển.../.
Thanh Bình