A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế biển và sự phát triển của thương mại Việt Nam

Nước ta có một bờ biển dài 3.260km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ ở Biển Đông, là một điều kiện trời cho mà không có nhiều nước thế giới có được.

Nếu tính cả diện tích thềm lục địa thì diễn tích biển mà chúng ta khai thác hợp pháp đúng luật lệ quốc tế sẽ gấp 3 lần diện tích của đất liền mang hình chữ S hiện nay. Hàng nghìn đời nay ông cha ta đã khai thác tài nguyên của biển và ngày nay chúng ta đang tiếp tục công việc của họ để lại để phục vụ cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là dân vùng biển.

Ngoài khai thác tài nguyên như dầu khí, điện gió, điện mặt trời, … ở biển thì biển Việt Nam còn có những địa điểm du lịch lý tưởng không phải chỉ ở đất nước chúng ta mà còn của cả thế giới. Biển Việt Nam còn gắn liền với những di sản thế giới công nhận như: vịnh Hạ Long và nhiều di sản khác. Tiềm năng của biển sẽ được khai thác một cách bền vững và hiệu quả nếu chúng ta biết gìn giữ, tôn tạo, nuôi dưỡng và phát triển. Hiệu quả của việc khai thác biển không chỉ dựa vào một ngành mà còn phải có sự phối hợp giữa các ngành, liên ngành với nhau và đi liền với các chính sách đúng đắn và kịp thời của nhà nước đối với sự phát triển của kinh tế biển.Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về phát triển kinh tế biển đã chỉ các giải pháp chủ yếu quan trọng:

1.Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển.

3. Phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển.

4. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.

5. Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển.

6. Chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.

7. Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.

Căn cứ vào nghị quyết của Trung ương Đảng về bảo vệ và khai thác tài nguyên biển, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của kinh tế biển phấn đấu xây dựng một quốc gia biển hùng mạnh trong những năm sắp tới.

Trở lại câu chuyện khai thác tài nguyên biển có sự phối/kết hợp với các ngành kinh tế, trong bài này chỉ đề cập đến việc khai thác tài nguyên biển có liên quan đến ngành thương mại Việt Nam. Nhiều lúc chúng ta thử đặt câu hỏi rằng: Nếu thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt ngày càng lớn thì việc dự trữ, sơ chế, chế biến sâu và tiêu thụ ở đâu? Với hàng chục triệu tấn cá biển đánh bắt hàng năm rõ ràng thương mại nội địa và thương mại xuất khẩu phải ngày càng gắn chặt với biển. Từ trước đến nay việc thu mua sản vật biển chủ yếu là do thương lái đảm nhiệm, số doanh nghiệp lớn tham gia chưa có nhiều.

Chúng ta không phủ nhận vai trò của những thương lái làm ăn tử tế, chia sẻ với ngư dân vùng biển. Tuy nhiên chúng ta cũng phê phán đồng thời phải tìm các giải quyết sớm nhất tình trạng ép cấp ép giá ngay tại bờ biển mỗi khi những con tàu ra khơi trở về đem theo niềm hi vọng, hiệu quả cho các hợp tác xã, cá nhân làm nhiệm vụ đánh bắt ở ngoài khơi.

Tình trạng 1kg cá ngừ nói riêng tại Phú Yên và tại các vùng biển khác chỉ sau một lời phán xét chủ quan của thương lái thì cá đã từ loại 1 xuống loại 2 ngay lập tức. Nêu sự việc điển hình nói trên để đại diện cho việc gắn kết giữa đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ thủy hải sản chưa được bền chặt, tính chia sẻ chưa được đề cao, lợi nhuận thua thiệt hầu hết về phía ngư dân nhiều năm nay chưa được khắc phục.

Nguyên nhân thì có nhiều, ở đây chúng ta có thể kể ra một số nguyên nhân chính: Thứ nhất việc đánh bắt thủy hải sản hầu hết là riêng lẻ chưa tập trung được sức mạnh đàm phán khi giao dịch ở thị trường. Hệ thống hậu cần kho chuyên dùng rất ít, cá có đến đâu phải bán nhanh, bán vội đến đó nếu không xuống cấp nên việc bị ép cấp ép giá là tất yếu.

Thủy hải sản của chúng ta chủ yếu đi ra chợ và đến siêu thị hầu hết ở dạng tươi sống, phần chế biến sâu như đóng hộp, cá khô, cá nướng, cá tẩm ướp để bảo quản được lâu dài còn khiêm tốn. Các địa chỉ vùng đánh bắt của ngư dân, hợp tác xã của chúng ta chưa thật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, ngoài ra ngư dân khi đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại bị ép chiết khấu cao, các chi phí ngày càng tăng lên theo thời gian làm việc với một số siêu thị.

Chính vì vậy khi tiêu thụ nội địa và xuất khẩu còn gặp khó khăn khi muốn thâm nhập kên phân phối hiện đại và xuất khẩu đi các nước. Câu chuyện về biển Đông của đất nước chúng ta và sự gắn kết giữa ngành thương mại với việc đánh bắt và tiêu thụ thuỷ hải sản vẫn còn rất nhiều không bao giờ có thể kể hết được. Chỉ biết rằng nếu muốn phát huy tiềm năng của kinh tế biển và kinh tế thương mại để hai ngành phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần phải lưu tâm một số việc sau đây: Trên tinh thần muốn khai thác bền vững vầ hợp pháp, không làm cạn kiệt tài nguyên, việc quy hoạch, nuôi trồng, đánh bắt phải được xây dựng mang tính khoa học phù hợp với quy định của nước ta và luật pháp quốc tế.

Việc khai thác thủy hải sản cần có sự phối hợp của các ngành kinh tế thương mại, khoa học, vận tải, logictics, đảm bảo có hiệu quả giảm trung gian. Chống ép cấp ép giá, giảm hao hụt hư hỏng, tăng chế biến để tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm biển.

Lợi nhuận trong chuỗi giá trị thủy hải sản cần được phân phối hài hòa, đảm bảo lợi nhuận hợp lý, kích thích được việc đánh bắt nuôi trồng của ngư dân.

Hệ thống phân phối quốc gia cần mở rộng cửa đón thủy hải sản của Việt Nam, đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng với gia hợp lý, không để tình trạng các nhà phân phối lớn thống lĩnh thị trường, độc quyền gây khó khăn nhiều điều cho thủy hải sản Việt khi tiêu thụ ở kênh phân phối hiện đại

Kiểm soát thị trường chống buôn lậu, đánh bắt và tiêu thụ bất hợp pháp, xử lý nghiêm vi phạm, khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc trên thị trường.

Tăng cường cơ sở vật chất cho hậu cần nghề cá như bến bãi, kho dự trữ, cơ sở chế biến hiện đại, hệ thống vận chuyển logictics đạt tiêu chuẩn quốc tế Làm được những vấn đề trên chắc chắc trong thời gian tới biển của chúng ta ngày càng tươi đẹp, giàu có, phát triển bền vững góp phần vào việc đưa đất nước ta trở thành một quốc gia biển hùng mạnh như nghị quyết của đảng đã chỉ rõ, góp phần vào việc phục vụ phát triển kinh tế và tiêu dùng của các gia đinh Việt Nam.

 

Tác giả: Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm