A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa ngành logistics phát triển xứng tầm

Cơ sở hạ tầng logistics đồng bằng sông Hồng đã có sự phát triển vượt bậc trong với hệ thống các trung tâm logistics, kho, dịch vụ hậu cần phát triển nhanh chón

Cơ sở hạ tầng logistics vùng Đồng bằng sông Hồng (Đồng bằng sông Hồng) đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua với hệ thống các trung tâm logistics, kho, bãi, dịch vụ hậu cần, giao thông nội vùng và liên vùng được đầu tư, phát triển nhanh chóng…

Hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng đã được tập trung đầu tư, xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng; trong đó, phải kể đến sự đóng góp của hệ thống hạ tầng logistics của vùng.

Đưa ngành logistics phát triển xứng tầm
Hệ thống cảng biển Hải Phòng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, hệ thống trung tâm logistics đang được hình thành và phát triển. Cả nước có 75 trung tâm logistics tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Hồng có 26 trung tâm, chiếm gần 35% tổng số trung tâm logistics trên toàn quốc. Việc phát triển kết cấu hạ tầng gắn với kết cấu hạ tầng logistics trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa các vùng miền, loại hình giao thông, góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải.

Đáng chú ý, tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long có vai trò là "mắt xích" quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khiến kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, giúp giảm thời gian nhưng đồng thời tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển. Từ đó, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam trong những năm tới.

Một số địa phương khác trong vùng cũng có mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Chẳng hạn, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã và đang hình thành các tuyến giao thông kết nối vùng như: Tuyến đường Quốc lộ 10 nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; tuyến đường Thái Bình - Hà Nam; tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội với Quốc lộ 38, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cầu La Tiến…

Hạ tầng kho, bãi, dịch vụ hậu cần cảng phục vụ trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu cũng được quan tâm đầu tư như: Khu vực cảng cạn ICD Thành Đạt (Móng Cái) diện tích gần 100ha; Trung tâm Logistics thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu) diện tích 27,3ha.

Tại Hà Nội, hiện đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu tại 2 cảng ICD (cảng cạn) là cảng ICD Mỹ Đình và cảng ICD Gia Lâm. Hay tại Bắc Ninh, Trung tâm Logistics ICD Tiên Sơn được xây dựng trên diện tích 10ha; tại Hải Phòng, Trung tâm Logistics Yusen Đình Vũ được khánh thành và đưa vào hoạt động năm 2014 với quy mô diện tích đất 100.000m2…

Về cảng biển của vùng, việc đưa vào khai thác Cảng quốc tế Lạch Huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cảng tổng hợp đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Từ cảng Lạch Huyện, hàng hóa xuất khẩu thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như: Singapore, Hồng Kông. Điều này góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu.

Khuyến khích đầu tư phát triển

Dù đã có bước phát triển mạnh, hệ thống logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng phải đối mặt với một số khó khăn và hạn chế. Để đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững, vùng cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện. Trong các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, cần xác định rõ việc ưu tiên phát triển ngành logistics là một trong những cơ sở quan trọng, xu thế tất yếu để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, tập trung đầu tư, xây dựng, nâng cấp các trung tâm logistics ứng dụng khoa học - công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng dịch vụ, giảm chi phí; chủ động xây dựng chương trình/kế hoạch, tạo lập các chính sách phù hợp với đặc điểm, lợi thế riêng của từng địa phương và vùng để xúc tiến, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từ các quốc gia và đối tác lớn đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư về Việt Nam. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp bảo đảm kết nối đồng bộ, thuận tiện cho lưu thông, trao đổi hàng hóa.

Vùng Đồng bằng sông Hồng cũng cần chủ động thiết lập quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng thu hút các công ty, tập đoàn kinh tế lớn, xuyên quốc gia có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ và quản trị, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; thu hút các doanh nghiệp logistics hàng đầu quốc tế đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, góp phần đưa vùng trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Ngoài ra, chú trọng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát cắt giảm các điều kiện về đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương trong vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, phân định trách nhiệm của các địa phương rõ ràng, làm cho hoạt động liên kết đi vào thực chất, khai thác và tận dụng được tiềm năng và các nguồn lực của vùng và từng địa phương trong vùng..

Vùng Đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, bảo đảm đồng bộ, khả thi; tạo cơ chế đột phá để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics, xác định các loại hình logistics mũi nhọn có tiềm năng phát triển và đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số.
 

Tác giả: Quỳnh Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm