Kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước 4 tháng năm 2023 tăng 54,5%
Tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị, mức tăng cao nhất trong nhóm nông sản chủ lực.
Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát ở thành phố Long Xuyên, An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo tháng 4/2023 ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 573,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực. Một số mặt hàng nông sản khác cũng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như càphê tăng 2,5%; rau quả tăng 19,4%; hạt điều tăng 3,4%.
Thậm chí, nhiều mặt hàng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, có giá trị xuất khẩu giảm như cao su giảm trên 20%; chè giảm 5,8%; hồ tiêu giảm trên 10%; sắn và sản phẩm sắn giảm trên 12%.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 45,9% thị phần, đạt 893,3 nghìn tấn với 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về khối lượng và tăng 44,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 177,4 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà giảm 70,9%.
Tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ đều có xu hương tăng đến giữa tháng, sau đó quay đầu giảm về cuối tháng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng 50 USD/tấn so với một tháng trước. Thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm đã kết thúc.
Các thương nhân cho biết hiện tại nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi nguồn cung trong nước đang cạn kiệt. Tuy nhiên, với mức cao này, các nhà nhập khẩu bao gồm cả Philippines có thể sẽ mua chậm lại.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm hiện ở mức từ 382-388 USD/tấn, giảm từ 385-392 USD/tấn vào giữa tháng 4/2023. Giá gạo Ấn Độ giảm do đồng rupee mất giá, trong khi nhu cầu xuất khẩu khá ổn định.
Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 480 USD/tấn, giảm 10 USD so với mức từ 485-490 USD/tấn vào trung tuần tháng 4/2023, nhưng lại tăng 17 USD/tấn so với trung bình tháng 3. Thị trường gạo trầm lắng sau kỳ nghỉ lễ Songkran - lễ mừng năm mới của người Thái.
Thái Lan đã xuất khẩu được 2,06 triệu tấn gạo trong quý đầu năm nay, tăng 8,48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường trong nước, xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt đã kéo giá lúa tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng qua, với mức tăng từ 150-300 đồng/kg tùy chủng loại.
Lúa Đông Xuân đã cạn nguồn, nhu cầu lúa Hè Thu đang dần tăng. Nguồn cung lúa tươi đang cạn dần trong khi nhu cầu mua lúa khô chưa nhiều, một phần do nông dân đòi giá cao.
Cụ thể, tại An Giang giá lúa tăng 300 đồng/kg đối với cả lúa thường và lúa chất lượng cao, lúa IR50404 lên 6.200 đồng/kg, lúa OM 5451 lên 6.400 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa Đài thơm 8 tăng 150 đồng/kg lên 6.600 đồng/kg; trong khi lúa IR50404 giữ ở mức 6.150 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.350 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa Đài thơm 8 cũng tăng giá 250 đồng/kg, từ 6.400 đồng/kg lên 6.650 đồng/kg, lúa OM 5451 ổn định ở mức 6.250 đồng/kg, lúa tài nguyên đã thu hoạch xong./.