Hơn 38 ngàn tấn gạo bán sang Philippines: Doanh nghiệp sẽ khó thu tiền nếu quota nhà nhập khẩu hết hạn
Báo Manila Times đã đưa tin, khoảng 38.400 tấn gạo được cho là từ Việt Nam nhập lậu vào Philippines.
Báo Manila Times đã đưa tin, khoảng 38.400 tấn gạo được cho là từ Việt Nam nhập lậu vào Philippines.
Lô hàng gạo đã đến nơi trên 10 con tàu, và các tàu đến trong khoảng thời gian từ ngày 4/8 đến ngày 13/8. Tính đến chiều thứ năm, có 7 tàu đã dỡ hàng, trong khi 3 tàu khác đang chờ đến lượt cập bến.
Ngày 19/8/2022, tờ The Manila Times của Philippines đã đưa tin, có khoảng 38.400 tấn gạo được cho là từ Việt Nam đã nhập lậu vào Philippines. Lượng gạo nhập lậu có trị giá hơn 1 tỉ peso, tương đương hơn 418 tỉ đồng, được cho đã dỡ xuống cảng Iloilo.
Về sự việc trên, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, không chỉ ở Philippines - thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam bị báo chí nước này nói gạo Việt Nam nhập lậu vào nước họ. Trong tuần qua, trên các mạng xã hội ở Việt Nam cũng rộ lên thông tin “Philippines mới bắt hơn 38.000 tấn gạo nhập lậu từ Việt Nam”.
Đây là phát ngôn thiếu trách nhiệm và làm ảnh hưởng lớn đến ngành lúa gạo Việt Nam. Việc kinh doanh gạo của doanh nghiệp Việt đều được thực hiện bởi các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết giữa bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam và bên mua là các thương nhân Philippines.
Tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam được Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất khẩu gạo, và họ thực đầy đủ trách nhiệm cũng như nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì không thể gọi là bán lậu. Các doanh nghiệp Philippines trước khi nhập khẩu gạo phải xin giấy phép của chính phủ họ, có quota rồi họ mới tiến hành nhập khẩu.
Nhưng các quota nhập khẩu gạo đều có thời hạn nhất định, ví dụ một quota có thời hạn 3 tháng hay 6 tháng, khi hết hạn thương nhân phải xin gia hạn. Do vậy, các quota nhập khẩu gạo của thương nhân Philippines thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn bị động vì không thể can thiệp.
“Doanh nghiệp xuất khẩu chịu áp lực rất lớn, nếu thông tin sai lệch sẽ làm xấu hình ảnh gạo Việt Nam. Thế nhưng mấy ngày qua tôi thấy trên mạng xã hội xuyên tạc cho rằng gạo Việt Nam nhập lậu vào Philippines bị bắt. Nói như vậy là quá nặng lời, kiểu như đang muốn dìm gạo Việt để nâng hàng hóa khác lên. Cần phải hiểu rằng nhập lậu là cả người mua và người bán cấu kết nhau thực hiện hành vi gian lận thương mại.
Trong trường hợp 38.400 tấn gạo các thương nhân Philippines nhập khẩu từ Việt Nam bị giữ lại ở cảng Iloilo (Philippines) có thể do họ chưa gia hạn được giấy phép. Nhưng giấy phép nhập khẩu gạo là việc của nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam có muốn cũng không can thiệp được.
Doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh xuất khẩu gạo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, nên nói họ bán gạo lậu gạo sang Philippines là hoàn toàn xuyên tạc”, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE bức xúc nói.
Sẽ khó thu tiền nếu …
Đối với các nhà nhập khẩu, khi 38.400 tấn gạo ở cảng Iloilo mà chưa có giấy phép nhập khẩu buộc phải nằm lại ở kho ngoại quan, hoặc ở vùng kiểm soát của cảng đến.
Nếu hàng đã vào cảng rồi tên hàng hóa tất cả đều đúng mà giấy phép nhập khẩu đã hết hạn, hoặc chưa có thì nhà nhập khẩu sẽ bị đánh thuế theo quy định của Chính phủ Philippines và bị phạt thêm chi phí hành chính.
Điều đáng quan tâm là việc thanh toán của bên mua với bên bán, và liệu doanh nghiệp Việt Nam có gặp khó khăn trong việc thu tiền. Bởi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều bán gạo dạng FOB giao hàng tại cảng bên Việt Nam, còn về thủ tục hành chính cũng không quá phức tạp.
“Hàng từ Việt Nam đi Philippines chỉ mất từ 3 đến 5 ngày là tới cảng và là hàng được ưu đãi thuế của khối ASEAN, nhưng khi làm C/O sẽ mất thêm 5 đến 7 ngày mới xong, và phải qua quá trình kiểm tra của Bộ Công Thương. Đối với 38.400 tấn gạo này theo kinh nghiệm của tôi nếu có L/C và bộ chứng từ hợp lệ thì bắt buộc ngân hàng phải trả tiền.
Trong trường hợp hàng tới cảng bên mua, mà doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chứng từ hồ sơ chưa kịp, và xảy sự cố như vừa rồi có thể khách hàng chậm thanh toán khoản tiền còn lại, và rủi ro cao nhất là đối tác không thanh toán”, ông Có nói.
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, 15 ngày đầu tháng 8, cả nước đã xuất khẩu gạo được 311.093 tấn, đạt kim ngạch 147,874 triệu USD. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/8 đạt 4.386.305 tấn, trị giá 2,140 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 7,91% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong thời gian này, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt nam. Theo đó, tháng 7/2022, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 354.279 tấn, trị giá 165,810 triệu USD. Cộng dồn 7 tháng, đạt 1.978.849 tấn, trị giá 924,875 triệu USD, tăng 55,72% về lượng và tăng 38,92% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối tuần qua, Văn phòng Cục hải quan Philippines (BOC) cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành vụ dỡ hàng 38 ngàn gạo lậu được báo cáo tại cảng Iloilo.
“BOC đang phối hợp với cơ quan Chính phủ khác và các bên liên quan đến việc giải phóng lô hàng, và cuộc điều tra đối với bốn lô hàng gạo bị cáo buộc trên tàu 20 tàu tại cảng Iloilo đang được tiến hành. Chúng tôi vẫn đang chờ báo cáo chính thức từ cảng Iloilo”, ông Yogi Filemon Ruiz - Ủy viên BOC cho biết.