A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ: Nguồn lực đầu tư đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD không còn là trở ngại lớn

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có mức đầu tư hơn 67 tỷ USD. Chính phủ cho hay, dự kiến thời điểm triển khai xây dựng dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư dự án này không còn là trở ngại lớn.

Khẳng định nguồn lực đầu tư đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD không còn là trở ngại lớn, được Chính phủ nêu rõ tại tờ trình Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. 

Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Ảnh minh hoa

Tốc độ 350 km/h hấp dẫn hơn và hút hành khách 

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm).

Tổng chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, TP.

20 tỉnh, TP này gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

“Phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc thẳng nhất có thể”, Chính phủ nêu.

Trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm của các nước trên thế giới, hiện trạng năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng, kết của nhu cầu vận tải của Việt Nam, Chính phủ đề nghị, đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. 

Còn đường sắt Bắc - Nam hiện hữu thì vận chuyển hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp.

Về công nghệ, tiêu chí kỹ thuật, Chính phủ kiến nghị xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

“Tốc độ 350km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta”, tờ trình nêu lý do.

Chính phủ cũng cho hay, kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800 km thì tốc độ 350 km/h hấp dẫn hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250 km/h. Cạnh đó, chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9%. 

Đầu tư công, không chuyển rủi ro sang khu vực tư nhân 

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 10.827 ha. Trong đó, đất trồng lúa khoảng 3.655 ha (đất lúa nước từ hai vụ trở lên là 3.102 ha); đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha.

Số dân tái định cư khoảng 120.836 người. 

Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, Chính phủ tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Trong đó ước tính, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 150.148 tỷ đồng (khoảng 5,9 tỷ USD); chi phí xây dựng 846.014 tỷ đồng (khoảng 33,25 tỷ USD).

Chi phí thiết bị 280.771 tỷ đồng (khoảng 11,03 tỷ USD); chi phí quản lý dự án 20.282 tỷ đồng (khoảng 0,8 tỷ USD); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 91.946 tỷ đồng (khoảng 3,61 tỷ USD)…

Căn cứ quy mô nền kinh tế, khả năng huy động nguồn vốn, kinh nghiệm quốc tế, để bảo đảm đầu tư dự án thành công, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư là đầu tư công.

Lý giải cho đề xuất này, Chính phủ cho hay, kinh nghiệm từ 27 dự án trên thế giới cho thấy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không có hiệu quả hơn đầu tư công.

“Việc chuyển rủi ro sang khu vực tư nhân là không hiệu quả”, Chính phủ thông tin, một số quốc gia đầu tư theo phương thức PPP nhưng không thành công, phải quốc hữu hóa hoặc phải nâng mức hỗ trợ của Nhà nước với các dự án PPP lên rất cao như Đài Loan (Trung Quốc). 

Một số dự án trên thế giới áp dụng phương thức PPP nhưng phạm vi đầu tư chủ yếu là các khu thương mại, nhà ga trung tâm hoặc đầu tư phương tiện khai thác một số đoạn tuyến hiệu quả, theo Chính phủ.

Huy động đa dạng các nguồn vốn trong nước 

Chính phủ nhận định, quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP. Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam “không còn là trở ngại lớn”.

Để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD.

Mức vốn bố trí mỗi năm này tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay; khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (khởi công dự án). 

“Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư”, Chính phủ nêu và kiến nghị sử dụng nguồn vốn trong nước để đầu tư dự án để tránh phụ thuộc vào các điều kiện ràng buộc các khoản vay vốn ODA.

“Trong trường hợp xuất hiện các nhà tài trợ có thể cung cấp các khoản vay có chi phí thấp, ít ràng buộc sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng nguồn vốn này

Theo Chính phủ, trong nhiệm kỳ này đã hoàn thành đầu tư 3000km và đang triển khai khoảng 1700km đường bộ cao tốc. Do đó áp lực đầu tư đến năm 2030 đạt 5000km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII không lớn.

Chính phủ nhận định, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới có thể cân đối đầu tư dự án, tác động không lớn đến các công trình quan trọng quốc gia khác. 

Đồng thời, các chỉ tiêu tài chính khi đầu tư dự án và từ khai thác quỹ đất sẽ cải thiện nguồn thu nên có khả năng cân đối vốn để triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đề xuất một số cơ chế đặc thù để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, hiện nay đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau không quá 20% kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước. 

Dự án đường sắt tốc độ cao kéo dài qua 3 kỳ trung hạn, việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là chưa có quy định. Do đó, Chính phủ kiến nghị bổ sung một cơ chế đặc thù trình Quốc hội.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn trong nước hợp pháp khác.

Dự án được bố trí đủ vốn qua nhiều kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với thời gian, tiến độ thực hiện dự án. Thủ tướng quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

Cơ chế đặc thù nữa được Chính phủ đề xuất là không thực hiện thẩm định khả năng cân đối vốn và giao Chính phủ cân đối trình Quốc hội quyết định bố trí vốn cho từng kỳ trung hạn, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm