A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

9 tháng, lượng khách du lịch nội địa vượt năm 2019

Sau một thời gian ngắn mở cửa, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt cả năm 2019.

Trong các lĩnh vực kinh tế có sự phục hồi và phát triển mạnh có ngành du lịch . Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc vào quý 1/2023 để đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch sau một năm mở cửa trong điều kiện bình thường mới.

Chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với tổng thu trên 394.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt cả năm 2019 - thời điểm dịch bệnh chưa xảy ra.

Năm 2019, tổng lượng khách du lịch nội địa của Việt Nam là 85 triệu lượt. Đến năm 2020, trong bối cảnh ngành du lịch thế giới gần như đóng cửa vì dịch COVID-19, con số này giảm xuống còn 56 triệu lượt; năm 2021 là 40 triệu lượt.

Tuy nhiên chỉ trong 9 tháng năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã vượt giai đoạn đỉnh điểm năm 2019, với 86,8 triệu lượt.

"Sau khi Chính phủ mở cửa toàn diện thì du lịch Việt Nam đã khởi sắc. Phải nói rằng du lịch nội địa tăng trưởng vô cùng nhanh và mãnh liệt. Lượng khách du lịch nội địa đã vượt xa cả năm 2019", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá.

9 tháng, lượng khách du lịch nội địa vượt năm 2019 - Ảnh 1.

Khách du lịch tham quan Công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: TTXVN)

Theo bảng xếp hạng các địa phương hút khách du lịch 9 tháng đầu năm từ số liệu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố, TP Hồ Chí Minh xuất sắc cán đích ở vị trí quán quân, theo sau là Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh và An Giang.

Tính đến tháng 9, TP Hồ Chí Minh đã đón được 21,6 triệu lượt khách nội địa, hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều khách sạn trên địa bàn thành phố đang trên đà tăng tốc.

"Chúng tôi đang mong đợi một quý 4 bùng nổ với nhiều khách quốc tế hơn, khi các nước dần tháo gỡ các rào cản đi lại", ông Mario Mendis, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Saigon Plaza, cho biết.

Theo các chuyên gia, dù mùa cao điểm du lịch nội địa đã qua sau khi đạt đỉnh trong mùa hè, tuy nhiên, mùa lễ hội cuối năm đang đến gần trùng với mùa cao điểm của khách quốc tế. Thêm vào đó, nhiều chính sách linh hoạt, phù hợp của Chính phủ cũng đang hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp lưu trú nói riêng.

"Các chính sách tài chính tiền tệ được ban hành kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã giúp giảm đáng kể áp lực lên mặt bằng giá cả. Những động thái này từ Chính phủ Việt Nam đã và đang khuyến khích ngành khách sạn trong việc đẩy mạnh nhu cầu của du khách và tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu đầu vào", bà Lew Yen Ping, Tổng Quản lý vùng Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Tập Đoàn The Ascott Limited, nhận định.

9 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 430.000 tỷ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành cũng tăng tới gần 300%, ước đạt khoảng 18.200 tỷ đồng. Những con số này đóng góp vào mức tăng chung 10,57% của khu vực dịch vụ - được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm