Triển vọng thị trường năng lượng hydro toàn cầu vào năm 2030
Báo cáo mới nhất do Deloitte công bố nhấn mạnh, thị trường năng lượng hydro toàn cầu dự kiến sẽ vượt thương mại khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2030.
Theo tờ Liên hợp buổi sáng, báo cáo mới nhất do Deloitte công bố nhấn mạnh, thị trường năng lượng hydro toàn cầu dự kiến sẽ vượt thương mại khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2030, đồng thời đạt quy mô 1.400 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050, trong đó thị trường châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm 645 tỷ USD.
Ngày 8/6, Deloitte công bố báo cáo Triển vọng hydro xanh toàn cầu, trong đó dự báo hydro xanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ thị trường năng lượng trong vài thập kỷ tới. Khác với hydro lam, hydro xanh là hydro thu được từ việc tách nước năng lượng tái tạo, thực hiện phát thải carbon bằng 0 từ nguồn, là năng lượng mới và xanh thuần khiết. Giá của hydro xanh không trực tiếp liên quan đến giá khí đốt thiên nhiên, đồng thời cũng không chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá khí đốt thiên nhiên.
Năng lượng hydro là một nhánh của năng lượng dựa trên việc sử dụng hydro làm phương tiện để sạc, vận chuyển, sản xuất và tiêu thụ năng lượng
Nghiêm Dực Lăng, Giám đốc bộ phận phát triển bền vững và biến đổi khí khu vực Đông Nam Á của Deloitte nhấn mạnh, hydro xanh sẽ nhanh chóng trở thành phương án khả thi để giảm carbon ở Singapore và Đông Nam Á, giúp những nền kinh tế này thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của những nước này.
Báo cáo nhấn mạnh, thương mại xuyên khu vực, cũng như cơ sở hạ tầng vận chuyển đa dạng hóa sẽ là nhân tố then chốt giúp thị trường năng lượng hydro sạch phát triển.
Những khu vực có khả năng sản xuất năng lượng hydro lớn hơn nhu cầu trong nước sẽ có thể tự mình định vị nước xuất khẩu năng lượng hydro trong tương lai, có thể cung cấp năng lượng hydro cho các nước khác, đồng thời hỗ trợ quá trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Đến năm 2050, trên 65% thị trường năng lượng hydro sẽ ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, trong đó khoảng 15% thu nhập sẽ thuộc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo cũng nêu rõ, giai đoạn từ 2030 - 2050, quá trình chuyển đổi năng lượng hydro sạch cũng có thể hỗ trợ hơn 1,5 triệu việc làm hàng năm tại các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, hơn nữa phần lớn sẽ xuất hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, muốn thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuỗi cung ứng năng lượng hydro sạch toàn cầu dự kiến cần phải đầu tư hơn 9.000 tỷ USD, trong đó các nước đang phát triển cần đầu tư 3.100 tỷ USD.
Bên cạnh đầu tư, báo cáo cũng kiến nghị các nhà hoạch định chính sách quan tâm ba phương diện để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, bao gồm: đặt nền móng cho thị trường năng lượng hydro, xây dựng quy trình chứng nhận năng lượng hydro sạch, bảo đảm độ minh bạch, đồng thời thông qua tham vấn quốc tế để giảm thiểu cọ xát chính trị, từ đó thúc đẩy cạnh tranh công bằng.
Ngoài ra, báo cáo cũng kiến nghị các nhà hoạch định chính sách xác lập mục tiêu hoặc thị trường rõ ràng cho năng lượng hydro sạch, thông qua khen thưởng khuyến khích và trợ cấp để giảm thiểu chênh lệch giá thành giữa năng lượng hydro sạch với nhiên liệu hóa thạch, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp năng lượng hydro sạch vào trong chuỗi sản xuất giá trị của mình.
Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách cũng cần bảo đảm sức bền dài hạn của năng lượng hydro sạch, chẳng hạn như thông qua cải thiện thiết kế cơ sở hạ tầng để vận chuyển và dự trữ năng lượng hydro sạch hiệu quả hơn.
Will Symons, Giám đốc phát triển bền vững và biến đổi khí hậu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Deloitte nhấn mạnh: “Bên cạnh những lợi ích kinh tế và khí hậu rõ ràng, thị trường năng lượng hydro sạch của khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn sẽ tăng cường an ninh năng lượng và độc lập năng lượng của mình”.
Theo TTXVN