A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường hợp tác chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải với Ngân hàng Thế giới

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành trao đổi với Giám đốc Điều hành hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Stefanie Stallmeister về nhu cầu xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Tại buổi làm việc, bà Steffanie Stalemeister cho biết, Ngân hàng Thế giới đang xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam (Vietnam CPF), hướng tới các giải pháp xanh hóa và đa dạng hóa khu vực tài chính, chuyển đổi năng lượng sạch, cải thiện khả năng thích ứng khí hậu tại nhiều khu vực dễ bị tổn thương. Qua đây, Ngân hàng Thế giới mong muốn trao đổi với Bộ TN&MT về tương lai quan hệ đối tác để nắm bắt những nhu cầu hợp tác, hỗ trợ phù hợp.

Bên cạnh đó, bà Steffanie Stalemeister cũng cho biết sẽ thu thập các góp ý từ Bộ TN&MT và các cơ quan Trung ương để hoàn thành dự thảo khung Vietnam CPF, trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh tập trung các kênh vay về chuyển đổi năng lượng tái tạo phù hợp với thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JTEP) trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới hướng tới các giải pháp xanh hóa, cải thiện khả năng thích ứng khí hậu tại Việt Nam

Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, thời gian qua, hai bên chủ yếu hợp tác về xây dựng chính sách, tăng cường năng lực. Hiện nay, một trong những công việc trọng tâm của Bộ TN&MT là tham mưu cho Chính phủ triển khai cam kết tại Hội nghị COP26 và Tuyên bố chính trị JETP giữa Việt Nam với Nhóm G7.

Trong đó, để thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 tại COP26, Bộ TN&MT rất quan tâm đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng thị trường carbon. Trước xu hướng chuyển đổi nhanh của thế giới, Bộ cũng đang xem xét đẩy nhanh tiến độ hình thành và vận hành thị trường carbon của Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ đang thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đặt ra nhiều công việc trong triển khai thực tiễn. Theo đó, Bộ TN&MT đang tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công nghệ, kỹ thuật; trao đổi thêm nhiều vấn đề liên quan đến thúc đẩy giải pháp chính sách, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, giảm phát thải, các công cụ tài chính nhằm huy động nguồn lực, các hướng dẫn kỹ thuật về giảm phát thải khí nhà kính…

Bộ TN&MT cũng đã xây dựng và Chính phủ đã trình Quốc hội hai dự thảo Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước. Đây là hai nhân tố quan trọng trong việc hình thành và phát triển quốc gia.

Về Tuyên bố chính trị JETP, Bộ đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện Tuyên bố. Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, JETP sẽ huy động nguồn lực từ khối Chính phủ, khối tư nhân và các định chế tài chính quốc tế. Nguồn tài chính này không chỉ dành cho Bộ TN&M mà còn cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khác do đó Bộ rất ủng hộ định hướng đa dạng hóa, xanh hóa nguồn tài chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của khối tư nhân của Việt Nam. Đồng thời, mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục hợp tác chặt chẽ và đồng hành với Việt Nam để cùng triển khai Tuyên bố JETP một cách hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh, xanh hóa, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT chia sẻ, Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn dự kiến được trình Chính phủ vào cuối năm 2023. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay là thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực, đào tạo tập huấn phổ biến kinh doanh tuần hoàn…

Ngọc Mai (T/H)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm