Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/9/2022
Bộ Tài chính sẽ trình giảm thêm thuế xăng dầu ở kỳ họp Quốc hội tới; Hungary tiếp tục giới hạn giá nhiên liệu; Xuất khẩu khí đốt của Ai Cập tăng trưởng mạnh… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/9/2022.
Ai Cập đang nỗ lực phát triển các dự án dầu khí và hiện đang hợp tác với một loạt công ty năng lượng nước ngoài. Ảnh: Egyptindependent |
Bộ Tài chính sẽ trình giảm thêm thuế xăng dầu ở kỳ họp Quốc hội tới
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 chiều 18/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn, thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến 31/12.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, Bộ sẽ trình giảm thêm thuế xăng dầu ở kỳ họp Quốc hội tới. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu.
Hungary tiếp tục giới hạn giá nhiên liệu
Ngày 17/9, người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết nước này quyết định tiếp tục giới hạn giá nhiên liệu và thực phẩm cho đến ngày 31/12. Chính phủ cũng sẽ đóng băng lãi suất thêm nửa năm so với thời hạn ngày 31/12 trước đó.
Theo ông Gulyas, Chính phủ tin rằng với cách này, giá nhiên liệu ở Hungary vẫn rẻ nhất ở châu Âu. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ 50% chi phí năng lượng bổ sung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời khởi động chương trình “bảo vệ nhà máy”.
Để tiết kiệm năng lượng mùa đông, chính phủ quy định nhiệt độ phòng tối đa ở các trường trung học là 18 độ C, giống như ở các tòa nhà công cộng, trong khi các lớp học ở trường tiểu học sẽ ở mức tối đa 20 độ C.
Pháp tái khẳng định cam kết "đoàn kết" với các nước láng giềng
Ngày 17/9, Pháp đã bác bỏ thông tin rằng tập đoàn năng lượng nhà nước EDF cảnh báo Rome về việc doanh nghiệp này có thể ngừng xuất khẩu điện sang Italy, đồng thời tái khẳng định cam kết của Paris "đoàn kết" với các nước láng giềng khi châu Âu phải chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trước đó cùng ngày, tờ La Repubblica của Italy đưa tin Rome đã nhận được thông báo bằng văn bản từ EDF về việc ngừng xuất khẩu điện trong 2 năm như một phần trong kế hoạch tiết kiệm năng lượng của Pháp. Người phát ngôn của Bộ Chuyển đổi sinh thái Italy sau đó đã xác nhận thông tin đăng tải trên báo này.
Trong nhiều năm qua, Pháp đã giúp củng cố nguồn cung điện của "Lục địa già" khi cung cấp khoảng 15% tổng sản lượng điện của nước này. Pháp cung ứng khoảng 5% lượng điện tiêu thụ hàng năm của Italy vào năm 2019. Tuy nhiên, năm nay, Pháp nhập khẩu điện ròng khi sản lượng điện hạt nhân đạt mức thấp nhất trong 30 năm do một loạt nhà máy phải sửa chữa.
Xuất khẩu khí đốt của Ai Cập tăng trưởng mạnh
Trong một báo cáo vừa công bố, Bloomberg nhận định Ai Cập có thể xuất khẩu 8,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay, giữa lúc giá khí đốt đang được giao dịch ở mức cao tại thị trường châu Âu. Giá trị xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng của Ai Cập trong từ tháng 1-4 của năm 2022 đã tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,9 tỷ USD.
Theo Bloomberg, Ai Cập đang tìm cách trở thành một trung tâm năng lượng lớn ở khu vực Arập bằng cách phát triển các dự án hóa lỏng khí đốt và tái xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường quốc tế. Tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của Ai Cập hiện vào khoảng 6,5-7 tỷ foot khối mỗi ngày (1 foot khối = 0,0283 m3). Ai Cập đang nỗ lực phát triển các dự án dầu khí và hiện đang hợp tác với một loạt công ty năng lượng nước ngoài.
Trong những năm gần đầy, Ai Cập đã phát hiện một loạt mỏ dầu khí, trong đó nổi bật nhất là mỏ khí đốt khổng lồ Zohr ở ngoài khơi Địa Trung Hải. Với trữ lượng khoảng 30 nghìn tỷ foot khối, mỏ này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Nhờ có mỏ Zohr, Ai Cập đã hoàn toàn ngừng nhập khẩu khí đốt vào tháng 9/2019.
Nam Phi khủng hoảng thiếu điện
Công ty điện lực Nam Phi Eskom lại vừa thực hiện cắt điện luân phiên Cấp 6 kể từ 4h16 sáng 18/9 (giờ địa phương) sau khi nhiều tổ máy phát điện tại các nhà máy điện Kusile và Kriel gặp sự cố, ngừng hoạt động. Eskom kêu gọi công chúng tiết kiệm điện và đang có kế hoạch cắt giảm khoảng 6.000 megawatt điện nhằm giúp ngăn chặn thảm họa sập mạng lưới điện quốc gia.
Lần gần đây nhất hồi tháng 6 vừa qua, Eskom triển khai cắt điện Cấp 6, có nghĩa là ít nhất sáu giờ đồng hồ cắt điện mỗi ngày đối với hầu hết người dân Nam Phi. Trước đây Eskom cũng từng phải làm vậy để đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng hồi tháng 12/2019.
Cũng kể từ tháng 12/2019, Nam Phi thường xuyên trải qua tình trạng mất điện do Eskom - đơn vị sản xuất hơn 90% điện của nước này không đủ công suất cung ứng nhu cầu của người dân. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thiếu điện ngày càng tồi tệ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Nam Phi, Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa đã cam kết sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Phần Lan cân nhắc tắt đèn đường ban đêm để tiết kiệm năng lượng
Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 17/9, trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng, các quận và thành phố tại Phần Lan đang lên kế hoạch tắt đèn đường ban đêm trong những tháng mùa đông và các chuỗi siêu thị lớn đang xem xét các biện pháp để giảm hóa đơn tiền điện.
Theo Virpi Anttila, Giám đốc bộ phận quản lý cơ sở hạ tầng tại Cơ quan Hạ tầng Giao thông Phần Lan, đây cũng là giờ cao điểm tiêu thụ điện. Do đó, một giải pháp tiềm năng là tắt tất cả các đèn đường khác. Khoảng 12.000 trong số 78.000 km đường của nước này được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng.
Tuần trước, Phần Lan có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu điện trầm trọng do công việc bảo trì và các vấn đề trong các nhà máy hạt nhân. Hơn nữa, nước này hiện không có đủ năng lượng gió vì thời tiết lặng gió.
T.H