Những chính sách thúc đẩy thị trường LNG của Nhật Bản và cơ hội nào cho Việt Nam?
Để phát triển thị trường LNG, tìm kiếm các đối tác tiềm năng, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, nhà chức trách Nhật Bản rất chú trọng tổ chức các diễn đàn giữa các doanh nghiệp và Chính phủ.
Dữ liệu từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho thấy, tổng tiêu dùng năng lượng của Nhật năm 2019 là 247 triệu tấn dầu quy đổi, với khí tự nhiên chiếm gần 8,7%. Năng lượng tái tạo (ngoài điện) chiếm một phần rất nhỏ, xấp xỉ 0,1% và thậm chí có xu hướng giảm nhẹ qua thời gian.
Thời gian qua, Nhật Bản hầu như không phát hiện mỏ khí tự nhiên mới có giá trị thương mại nào. Quốc gia Đông Á chỉ sản xuất được xấp xỉ 2 triệu tấn (khoảng 2,9 tỷ m3) hàng năm, trong khi để phục vụ nhu cầu nội địa, Nhật đã nhập khẩu 82,9 triệu tấn năm 2018, chủ yếu từ Australia (34,6%), khu vực Trung Đông (21,7%), Malaysia (13,6%) và một số nước khác.
Trên thực tế, Nhật Bản sử dụng LNG chủ yếu cho phát điện thông qua 37 trạm đầu mối LNG với tỷ trọng cao nhất thuộc về JERA (42%) và Tokyo Gas (17%).
Kể từ sau thảm họa kép động đất sóng thần hồi năm 2011 gây ra sự cố tại Nhà máy điện nguyên tử Fukushima, Nhật Bản đã chuyển hướng chiến lược phát triển năng lượng, đặt vấn đề an toàn - an ninh năng lượng lên mức cao hơn song song với việc tăng cường hơn nữa hiệu quả năng lượng (APERC, 2019). Điều này được thể hiện trong mục tiêu 3E+S của chính phủ Nhật Bản.
Quốc gia Đông Á đã thực hiện một loạt chính sách thúc đẩy đa dạng hóa năng lượng, nhằm giảm phụ thuộc và giảm phát thải theo Hiệp định Paris, bao gồm cải thiện hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả các nhà máy nhiệt điện và các công nghệ thu giữ carbon, giảm tỷ lệ điện hạt nhân, áp dụng công nghệ block chain, AI, IoT trong thị trường điện, nghiên cứu phát triển nhiên liệu hydro…
Được biết, Nhật Bản cũng đẩy mạnh phát triển các công nghệ tận dụng nguồn tài nguyên băng cháy khá dồi dào ở các khu vực duyên hải. Dự án khai thác băng cháy ở vùng biển Tây Nam Tokyo đã thu hút được hàng triệu USD đầu tư và từng bước chiết xuất được methane từ băng cháy ở thềm lục địa.
Tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo của Nhật Bản còn hạn chế, trong khi việc sử dụng điện hạt nhân vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức trong nước. Từ đó, nhập khẩu LNG là một trong những chiến lược không thể thiếu trong nền kinh tế Nhật Bản.
Tới năm 2030, dự kiến tỷ lệ LNG trong công suất nguồn phát điện của Nhật Bản lên tới 27%.
Để phát triển thị trường LNG, tìm kiếm các đối tác tiềm năng, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, nhà chức trách Nhật Bản rất chú trọng tổ chức các diễn đàn giữa các doanh nghiệp và Chính phủ. Có thể kể đến Hội thảo LNG Producer-Consumer được tổ chức hàng năm từ năm 2012 đến nay.
Năm 2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tuyên bố sẽ mở rộng thị trường ở khu vực châu Á, cam kết đầu tư 10 tỷ USD cho các dự án hợp tác khai thác LNG và tiếp tục bổ sung thêm 10 tỷ vào năm 2019 với mục tiêu khiến cho thị trường trở nên linh hoạt hơn.
Ở nước ta, việc nhập khẩu LNG cũng được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí "Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG" đồng thời "Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống".
Trong bối cảnh, sản lượng khí nội địa suy giảm, sự không chắc chắn về tính thời vụ của thủy điện, sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo và lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của sản xuất nhiệt điện than, cũng như triển khai các giải pháp để đảm bảo mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050, thì LNG sẽ là một nguồn năng lượng hiển nhiên và không thể thiếu đối với đất nước và sẽ sớm trở thành một thành phần quan trọng trong tăng trưởng năng lượng của quốc gia, hướng tới một tương lai năng lượng sạch hơn tại Việt Nam.
Trong một thị trường đã phát triển được hơn 50 năm, Việt Nam gia nhập thị trường LNG với tâm thế là một người chơi mới. Điều này đòi hỏi việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở nhập khẩu LNG.
Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Trong 2 năm trở lại đây, giá LNG đã biến động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù.
Mặt khác, LNG có những đặc thù riêng như mức độ các cam kết dài hạn, thị trường biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các sự kiện chính trị, xã hội,...
Bình An