Quảng Ninh: Cần khai thông "nút thắt" đầu tư công trong nửa cuối năm
Nửa đầu năm 2025, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc khi ghi nhận mức tăng trưởng GRDP ước đạt 11,03%, đứng thứ 8 cả nước. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang đối diện không ít thách thức cần tháo gỡ để duy trì đà tăng trưởng bền vững...
Khu vực công nghiệp của tỉnh ước tăng 8,57%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp chính với mức tăng 23,81% so với cùng kỳ.
Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 12,08 triệu lượt, tăng 16% cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,275 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 29.140 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ.
Tổng 6 tháng ước đạt 30.057 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 21.100 tỷ đồng, bằng 56% dự toán. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách gấp 13,1 lần so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội ước đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh tạo việc làm cho hơn 17.000 lượt lao động, đạt 58,6% kế hoạch năm; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; tai nạn giao thông, tai nạn lao động giảm trên cả 3 tiêu chí; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, mở rộng.
![]() |
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2025 |
Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng có sự tăng trưởng mạnh như ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (gần 60%); ngành sản xuất phương tiện vận tải khác (gần 118%); ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (80%)...
Dù bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm khá tươi sáng, Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với những tồn tại cần tập trung tháo gỡ. Đáng chú ý, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch.
Theo thống kê, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh mới đạt khoảng 32%, thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Một số dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái giai đoạn mở rộng, hay các cụm công nghiệp mới vẫn vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục.
Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án FDI lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch chưa đạt kỳ vọng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, để giữ vững và nâng cao đà tăng trưởng, Quảng Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, đồng thời quan tâm hơn tới chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu các dự án công nghệ mới.
![]() |
6 tháng đầu năm Quảng Ninh đón hơnn 12 triệu lượt khách |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: “Quảng Ninh quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2025 đạt trên 11%, với phương châm ‘hành động quyết liệt, tăng tốc về đích. Đặc biệt, phải coi trọng giải ngân vốn đầu tư công như động lực then chốt kích hoạt các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”.
Để thực hiện chỉ đạo này, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ danh mục dự án, tập trung tháo gỡ ngay những nút thắt trong giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sạch, du lịch cao cấp, logistics và chuyển đổi số.
Song song đó, Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, phát triển văn hóa - giáo dục, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp và người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.
6 tháng cuối năm được nhận định sẽ còn nhiều áp lực, nhưng với nền tảng kinh tế đã được củng cố và tinh thần hành động quyết liệt, Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đây không chỉ là bước đệm cho những năm tiếp theo, mà còn khẳng định vị thế của Quảng Ninh là cực tăng trưởng năng động, hình mẫu về cải cách hành chính và thu hút đầu tư của cả nước.