A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhịp đập năng lượng ngày 24/6/2023

545/4.676 MW điện tái tạo đã phát điện thương mại; Đức ký hợp đồng mua LNG từ Mỹ; Gazprom của Nga tìm đến châu Phi để khai thác khí đốt… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/6/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

545/4.676 MW điện tái tạo đã phát điện thương mại

Theo số liệu cập nhật sáng 24/6 của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 23/6 đạt 828,8 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 384,2 triệu kWh, miền Trung khoảng 80,9 triệu kWh, miền Nam khoảng 363,1 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện vào lúc 15h đạt 39.757 MW.

Trong ngày 23/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 180,6 triệu kWh (miền Bắc là 62 triệu kWh). Hiện, nguồn thủy điện đã khả quan hơn, lượng nước về một số hồ tiếp tục tăng nhẹ.

Về dự án điện tái tạo chuyển tiếp, cập nhật đến ngày 23/6, đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851 MW gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. 11 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 545,72 MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 22/6, đạt khoảng 59,47 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Đức ký hợp đồng mua LNG từ Mỹ

Đức vừa ký hợp đồng dài hạn nhập khẩu 2,25 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ hàng năm nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng khi nước này ngừng nhận khí đốt Nga.

Thỏa thuận này cũng đưa Venture Global trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất của Đức, với tổng cộng 4,25 triệu tấn LNG mỗi năm. Theo đó Venture Global sẽ cung cấp nhiên liệu siêu lạnh từ dự án LNG Calcasieu Pass 2 (CP2) cho công ty con Wingas của SEFE. Việc xây dựng CP2 được ấn định vào cuối năm nay và trạm dự kiến có công suất 20 triệu LNG mỗi năm.

Giám đốc điều hành SEFE Egbert Laege cho biết, thông qua việc hợp tác với Venture Global LNG, SEFE thực hiện một bước quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho khách hàng Đức và châu Âu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực.

Gazprom của Nga tìm đến châu Phi để khai thác khí đốt

Tại cuộc họp với các quan chức 9 quốc gia châu Phi gồm Algeria, Angola, Ghana, Ai Cập, Kenya, Mozambique, Nigeria, Tanzania và Nam Phi ở Johannesburg (Nam Phi) trong tuần này, đại diện của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết rằng Gazprom sẵn sàng giúp các nước châu Phi khai thác khí đốt tự nhiên.

"Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng hợp tác với các nước châu Phi và có thể cung cấp kinh nghiệm và bí quyết công nghệ độc đáo của chúng tôi. Gazprom sẽ thảo luận về các đề xuất mang tính xây dựng và cùng có lợi nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân ở các nước châu Phi”, Dmitry Khandoga, người đứng đầu bộ phận hoạt động kinh tế đối ngoại của Gazprom, nêu rõ tại hội nghị.

Việc tăng sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Phi sẽ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực và nhu cầu về khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ tăng 150%, theo những người tham dự hội nghị. Tuy nhiên, phần lớn khí đốt tự nhiên ở châu Phi lại đang được chuyển đến châu Âu, nơi mua thêm khí đốt qua đường ống và nguồn cung cấp LNG từ châu Phi để thay thế nguồn cung bằng đường ống từ Gazprom của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch xây tiếp các nhà máy hạt nhân

Theo nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23/6, Thổ Nhĩ Kỳ đang liên hệ với Trung Quốc về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NPP) thứ 3 theo kế hoạch và đang khảo sát các địa điểm cho nhà máy thứ 4.

Theo Salih Sarı, Giám đốc Cơ quan Phát triển Cơ sở hạ tầng hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi đang xúc tiến các cuộc khảo sát địa điểm cho dự án nhà máy hạt nhân thứ 4. Thổ Nhĩ Kỳ cần 20 GW công suất phát điện hạt nhân cho các mục tiêu khí hậu vào năm 2053 của mình”, ông Sarı nêu rõ.

Theo ông Sarı, Thổ Nhĩ Kỳ đang liên hệ với Nga và Hàn Quốc để xây nhà máy hạt nhân thứ 2 đã được lên kế hoạch và liên hệ với Trung Quốc để xây nhà máy thứ 3. Ankara cũng đang tìm hiểu công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ với các công ty của Anh, Pháp và Mỹ.

Mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu sẽ ngừng hoạt động vĩnh viễn

Ngày 23/6 (giờ địa phương), Chính phủ Hà Lan thông báo, hoạt động khai thác khí đốt tại mỏ Groningen sẽ chính thức kết thúc vào ngày 1/10/2023. Động thái này thể hiện cam kết của Amsterdam về việc ngừng khai thác vốn đã ở mức tối thiểu để hạn chế rủi ro địa chấn trong khu vực.

Chính phủ Hà Lan cho biết, các cơ sở khai thác khí đốt từ mỏ Groningen sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào năm 2024. Tuy nhiên, vẫn sẽ có phương án khai thác lượng khí hạn chế nếu xảy ra tình trạng khí hậu khắc nghiệt ở năm tới.

Bộ trưởng Bộ Khai thác mỏ Hans Vijlbrief cũng cho biết “không có gì nghi ngờ” về việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở khai thác do việc nhập khẩu khí đốt và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ đảm bảo đủ khí đốt cho người dân Hà Lan.

H.T (t/h)


Tác giả: 545/4.676 MW điện tái tạo đã phát điện thương mại
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm