Đây là nguyên nhân chính kìm hãm giá dầu trong năm 2023
Giá dầu sẽ gặp khó khăn trong năm nay do những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu làm giảm tác động tích cực từ sự phục hồi ở Trung Quốc và việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, kết quả cuộc thăm dò của Reuters hôm 30/6 cho thấy.
Hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tham chiếu kết thúc tháng 6 ở mức 74,90 USD, tính chung trong quý 2 giảm 6%, là quý giảm thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 6,5% trong quý 2, kết thúc ở mức 70,64 USD/thùng, là quý giảm thứ 2 liên tiếp.
Lãi suất của các nền kinh tế chủ chốt liên tục tăng và sự phục hồi sản xuất và tiêu dùng ở Trung Quốc chậm hơn dự kiến đã gây áp lực kéo dài lên thị trường dầu mỏ.
Các nhà phân tích của HSBC cho biết: “Bất chấp thông báo mới về hai đợt cắt giảm sản lượng từ OPEC+/Saudi Arabia, giá dầu thô phần lớn vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng do thị trường ít bị ảnh hưởng bởi các nguyên tắc cơ bản và xa hơn nữa là bởi các mối quan ngại về kinh tế vĩ mô”.
"Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ tiếp tục xảy ra trong một phần của mùa hè, mặc dù mức thâm hụt sâu khoảng 2,3 triệu thùng được dự báo cho nửa cuối năm 2023 sẽ giúp thúc đẩy một số đà tăng giá."
Một cuộc khảo sát của Reuters với 37 nhà kinh tế và nhà phân tích cho thấy giá dầu sẽ gặp khó khăn trong năm nay khi những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu kéo dài.
Theo đó, các nhà phân tích dự báo dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 83,03 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn so với mức 84,73 USD dự báo hồi tháng 5.
Giá dầu Brent, hiện đang giao dịch quanh mức 75 đô la một thùng sau khi đã giảm khoảng 13% từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ ở mức trung bình 83,28 đô la trong quý 3/2023 trước khi vượt mốc 86 đô la trung bình trong 6 tháng cuối năm.
Các dự báo về giá dầu thô WTI của Mỹ cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 78,38 USD/thùng vào năm 2023 từ mức 79,20 USD dự báo hồi tháng Năm.
Các dấu hiệu hoạt động kinh tế Mỹ tích cực và sự sụt giảm mạnh trong kho dự trữ dầu của nước này hiện đang hỗ trợ giá dầu WTI. Theo đó, lượng dầu thô dự trữ của trong tuần tới 25/6 đã giảm 9,6 triệu thùng, vượt xa mức giảm dự đoán 1,8 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, các nhà giao dịch dầu thô vẫn trong tình trạng khó dự đoán về xu hướng giá bởi lãi suất tăng và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn tác động tiêu cực trong khi nhu cầu đi lại tăng cao và nguồn cung dầu thô bị thu hẹp tác động tích cực.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần cuối cùng của tháng Sáu đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên hoạt động tuần thứ chín liên tiếp kể từ tháng 7 năm 2020.
Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, cho biết quý 3 sẽ là một "quý bấp bênh vì kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu cao từ OPEC và IEA cần phải thành hiện thực để tránh thêm áp lực giảm giá".
Ngân hàng Goldman Sachs mới đây cho biết lãi suất tăng sẽ vẫn là một "lực cản dai dẳng" đối với dầu mỏ.
Nhưng trong khi lãi suất tăng và các chỉ số kinh tế yếu hơn từ Trung Quốc gây áp lực lên thị trường dầu mỏ, một số nhà phân tích dự đoán giá tăng nhẹ nhờ các biện pháp kích thích kinh tế đến từ Trung Quốc và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu.
Đầu tháng Sáu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thỏa thuận sản lượng của OPEC+ làm tăng mạnh triển vọng giá đi lên, trong khi Saudi Aramco dự đoán nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bù đắp rủi ro suy thoái ở các nước phát triển.
Ian Moore, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Bernstein cho biết: "Có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc suy yếu ngay cả khi diễn biến thị trường sau khi mowr cửa trở lại nói chung đã khiến một số nhà đầu tư thất vọng. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã sản xuất ở mức cao kỷ lục trong 5 tháng đầu năm nay". "Tăng trưởng hơn nữa sẽ đến khi hoạt động kinh tế tiếp tục mở rộng, mặc dù với tốc độ chậm hơn."
Theo cuộc thăm dò của Reuters, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 1 đến 2 triệu thùng mỗi ngày (bpd).
Trong số những người tham gia khảo sát, có 5 người dự đoán thị trường 6 tháng cuối năm sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, thâm hụt sẽ xảy ra ngay cả khi xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga đạt kỷ lục 4 năm vào tháng 5, khi Moscow đáp ứng nhu cầu từ Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Một khi những thiếu hụt này trở nên rõ ràng trong kho dự trữ dầu trên đất liền, chúng tôi dự đoán giá sẽ có xu hướng cao hơn”.
Phần lớn những người được khảo sát cũng đồng ý rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức giá sàn cho dầu ở 80 USD.