A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 25/2024

Khuyến khích, tạo điều kiện đối với các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như: điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ… khi bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Khuyến khích, tạo điều kiện đối với các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo

Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 312/TB-VPCP ngày 11/7/2024 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan liên quan để rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án cập nhật bổ sung trên cơ sở nguyên tắc địa phương cung cấp và chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu dự án. Bộ Công Thương rà soát, chịu trách nhiệm toàn diện việc đáp ứng đầy đủ 9 tiêu chí đã đặt ra, trong đó, lưu ý khuyến khích, tạo điều kiện đối với các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như: điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ… trường hợp đầy đủ tiêu chí, phù hợp với quy mô công suất đã phân bổ cho các địa phương, bảo đảm tính khả thi cần tổng hợp, đề xuất bổ sung.

Khuyến khích, tạo điều kiện đối với các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: rà soát kỹ các dự án, thông tin, số liệu tại Tờ trình của Bộ Công Thương, trường hợp còn thiếu, chưa chính xác về thông tin, số liệu, cần khẩn trương gửi văn bản đến Bộ Công Thương để cập nhật, bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bộ Công Thương trên cơ sở các địa phương cung cấp thông tin, hoàn thiện việc cập nhật, bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương rà soát quy định của pháp luật về quy hoạch, quy định của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về các nội dung đề xuất, kiến nghị về việc bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành cập nhật, bổ sung Kế hoạch.

Phát triển năng lượng mới góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero

Mới đây, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì tổ chức "Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới Net Zero" với chủ đề “Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam”.

Chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0

“Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới Net Zero” với mục tiêu hội tụ các bên liên quan cùng cập nhật, chia sẻ thảo luận, qua đó tiếp tục nhìn nhận, đánh giá rõ hơn những xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch của các quốc gia trên thế giới, làm cơ sở tham khảo cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0.

Diễn đàn được cấu trúc thành 2 phiên: phiên tham luận và phiên thảo luận. Phiên tham luận với các bài phân tích về thực thi Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tổng hợp và phân tích quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam từ chủ trương tới thực tiễn và kế hoạch triển khai JETP nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp phân tích những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời thảo luận về những cơ hội cũng như thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển nguồn năng lượng mới của Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới. Đặc biệt, các chuyên gia, tổ chức nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho bức tranh chuyển dịch năng lượng hiệu quả của Việt Nam.

Quỹ Năng lượng sạch Đông Nam Á II tài trợ 10 triệu USD phát triển điện sạch tại Việt Nam

Clime Capital, công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Singapore chuyên thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp và Nami Distributed Energy (Nami) đã công bố khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD từ Quỹ Năng lượng sạch Đông Nam Á II (SEACEF II) do Clime Capital quản lý.

Khoản đầu tư này nhằm thúc đẩy Nami (công ty năng lượng sạch có trụ sở tại TPHCM và Hà Nội chuyên cung cấp các giải pháp sáng tạo về năng lượng phân tán) tăng trưởng nhanh và gia tăng tác động tích cực đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Việc đầu tư này diễn ra ngay khi Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Nghị định mang lại cơ hội to lớn để các doanh nghiệp tiếp cận năng lượng tái tạo với chi phí hiệu quả, ở cả loại hình điện phân tán sử dụng đường dây trực tiếp và điện tái tạo nối lưới.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà do Nami lắp đặt

Với khoản đầu tư này, Nami có vị thế thuận lợi phát huy nền tảng vững mạnh về nhân sự, chuyên môn và danh mục dự án tiềm năng để cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời mái nhà cùng giải pháp năng lượng tại chỗ với quy mô lớn hơn cho khách hàng thương mại, công nghiệp trên toàn quốc.

Ông Lưu Hoàng Hà, Chủ tịch Nami cho biết, những giải pháp năng lượng mặt trời và tại chỗ của công ty như pin lưu trữ và tiết kiệm điện giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn điện có chi phí thấp hơn, bền vững mà không cần vốn đầu tư, chi phí vận hành. Công ty đang nhanh chóng mở rộng danh mục dự án tiềm năng với các khách hàng lớn và triển khai lắp đặt trên toàn quốc.

Theo ông Mason Wallick, Giám đốc điều hành Clime Capital, khoản đầu tư quan trọng này tạo ra lợi ích kép, vừa phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo cạnh tranh vừa thúc đẩy tiến trình trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm