Những chiến sĩ áo trắng nơi đầu sóng ngọn gió
Xuân Giáp Thìn trên những giàn khoan, cây cối đâm chồi nảy lộc. Bên cạnh các cán bộ kỹ sư dầu khí vẫn đang cần mẫn với công việc như thường nhật, những bác sĩ giàn khoan cũng âm thầm lặng lẽ thực hiện trách nhiệm của mình giữa trùng khơi. Làm việc xa gia đình trong rất nhiều ngày nơi đầu sóng ngọn gió, song, họ vẫn tâm niệm công việc của mình tuy “một mình nhưng không cô đơn”.
Chúng tôi đến thăm Khoa y tế biển của Trung tâm y tế Vietsovpetro vào những ngày đầu làm việc của Xuân Giáp Thìn, và may mắn thay, chúng tôi đã có dịp được ngồi trò chuyện với rất nhiều bác sĩ vừa mới giao ca về bờ. Vui vẻ, mộc mạc và nhiệt tình là những gì chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện cùng với các bác sĩ nơi đây.
Bác sĩ Đoàn Quyết Thắng, Chuyên khoa 1, Phó trưởng Khoa Y tế biển Trung tâm Y tế Vietsovpetro cho biết, cứ trên một công trình biển sẽ luôn có 2 bác sĩ đổi ca. Bác sĩ phụ trách công trình biển làm việc độc lập trong vòng 21 ngày liên tục, sau đó nghỉ ca 21 ngày, với nhiệm vụ thường trực cấp cứu y tế 24/24, tiếp nhận khám điều trị các bệnh nhẹ, cấp tính, tư vấn, theo dõi sức khỏe các ca bệnh, lập hồ sơ chuyển người bệnh về bờ điều trị (nếu có) theo quy định. Từ tháng 2 năm 2024, bác sĩ trên công trình biển sẽ có thêm nhiệm vụ khám và lập hồ sơ theo dõi các bênh mạn tính không lây cho các cán bộ kỹ sư trên giàn, như bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu… trên cơ sở chẩn đoán và điều trị của bác sĩ khối bờ theo quy định.
“Trên giàn khoan và các các tàu chứa dầu, một mình bác sĩ phải làm tất cả công việc của điều dưỡng, hộ lý chứ không có ai hỗ trợ như trong bờ. Tuy nói ngành y luôn làm việc theo ê kíp tối thiểu Bác sĩ – Điều dưỡng – Hộ lý, nhưng trên công trình biển chỉ có duy nhất một bác sĩ nên rất áp lực, đặc biệt khi có ca bệnh cấp cứu”, bác sĩ Thắng cho hay.
Trên biển, các bác sĩ phải liên lạc nhanh về bờ bằng điện thoại, nhưng sóng điện thoại trên biển rất chập chờn. Khi có ca phải hội chẩn, sợ nhất là điện thoại bị mất sóng. Ngoài điều trị, bác sĩ bám trụ trên công trình biển phải đảm đương công tác y tế dự phòng cho hàng trăm người đang lao động giữa biển khơi. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Thức ăn, nước uống đều theo tiêu chuẩn riêng, nghiêm ngặt. Bác sĩ phải giám sát, kiểm tra thường xuyên bếp ăn, nguồn cung cấp thực phẩm, công tác lưu mẫu thức ăn, diệt côn trùng… Ngoài trực tiếp cứu người, các bác sĩ còn biên soạn tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu để cán bộ, công nhân trên biển áp dụng trong trường hợp cần thiết.
Kể về công việc của mình trên công trình biển, bác sĩ Vũ Quang Thành cho biết đã công tác gần 35 năm tại các công trình biển và hiện đang trực tại tàu chứa dầu Vietsovpetro 1. Anh là người đã đi hầu hết các giàn và các tàu của Vietsovpetro. Còn theo bác sĩ Quách Văn Thao, công tác tại giàn BK Thiên Ưng “Làm việc trên giàn áp lực là thế. Không may nhà có chuyện gì thì cũng khó về được vì muốn về cũng phải có máy bay ra”. BK Thiên Ưng nơi anh công tác cũng chính là công trình xa nhất của Vietsovpetro, cách đất liền 170 km, cứ thường 10 ngày mới có một chuyến bay.
Các anh tâm sự, trên các công trình biển, những bác sĩ không chỉ khám, chữa bệnh đơn thuần mà quan trọng hơn, họ còn là một chỗ dựa tinh thần, là “liều thuốc tâm lý” cho các cán bộ, kỹ sư, công nhân. Giữa bốn bề là biển cả mênh mông, nếu một người gặp trục trặc về sức khỏe mà không có bác sĩ thì sẽ rất hoang mang, nhưng có bác sĩ túc trực 24/24 thì mọi người rất yên tâm để làm việc. Vì vậy, người bác sĩ cũng phải là người giữ được tinh thần vững chãi nhất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Phạm Xuân Hòa, hiện đang là bác sĩ trên giàn công nghệ trung tâm CTK3 cho biết, trước kia anh công tác tại Thái Bình, sau đó anh vào làm việc tại Trung tâm y tế Vietsovpetro và đã có thâm niên công tác gần 20 năm đi biển. “Được sống và làm việc trong môi trường văn hóa của người lao động dầu khí” khiến anh cảm thấy rất tuyệt vời. Người dầu khí luôn vui vẻ và niềm nở, làm việc trong môi trường đặc biệt nên người dầu khí rất chú trọng các khâu an toàn và sự đoàn kết là nét đẹp mà những ngày đầu làm việc tại các công trình biển anh đã cảm nhận được. Trong quá trình khám sức khỏe ngoài giàn anh thấy thế hệ trẻ tại các giàn và tàu của Vietsovpetro có lối sống, sinh hoạt lành mạnh “không thuốc lá” nên sức khỏe rất tốt để đảm bảo công việc trên giàn.
Các bác sĩ của Khoa Y tế biển đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều kỷ niệm, câu chuyện cảm động. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho công nhân, chuyên gia trên công trình, bác sĩ mỗi nhà giàn thường xuyên cấp cứu cho mọi đối tượng gặp nạn trên biển. “Chúng tôi có thể nhận điện từ hải quân, cảnh sát biển bất cứ lúc nào trong ngày, báo cho biết có ngư dân, người đi biển bị chấn thương, đột quỵ… cần cấp cứu. Sau khi xin phép lãnh đạo cơ quan và được sự đồng ý của giàn trưởng, bác sĩ sẽ được cẩu rọ đưa xuống mặt nước để tiếp cận người bị nạn, kịp thời cứu chữa giúp bà con ngư dân không may bị bệnh vượt qua nguy hiểm" - bác sĩ Đoàn Quyết Thắng cho hay.
Tập huấn sơ cứu nạn nhân chấn thương và diễn tập khi có tai nạn xảy ra. |
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ trên giàn và tàu, nhiều trường hợp bệnh nhân được cấp cứu thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Chỉ tính riêng năm 2023, Công tác khám, cấp cứu điều trị trên công trình biển cho 10.276 lượt khám, trong đó người nước ngoài 93 lượt, người Việt Nam 10.090 lượt; chuyển về bờ điều trị 11 ca, trong đó chuyển bằng máy bay kết hợp đổi ca 8 lượt và máy bay cấp cứu 3 lượt. Hiện tại nhân sự của Khoa Y tế biển gồm 55 bác sĩ và 1 kỹ sư phục vụ y tế cho 29 công trình biển và dự án Đại Hùng trên bờ, cụ thể có 19 bác sĩ biên chế chiếm 36%; 9 bác sĩ ngoài biên chế chiếm 16% và 27 bác sĩ hợp đồng gói chiếm 49%.
Được sự quan tâm của ban lãnh đạo Vietsovpetro cùng sự tâm huyết của Trung tâm Công nghệ thông tin Vietsovpetro, hiện nay đã triển khai mạng ra ngoài các giàn và các tàu; trong năm nay Trung tâm y tế Vietsovpetro sẽ cố gắng kết nối mạng và các phần mềm quản lý bệnh viện trong bờ ra các công trình biển cho các bác sĩ, khi cần các bác sĩ có thể tìm kiếm thông tin tiền sử của bệnh nhân để xử lý tốt nhất cho bệnh nhân… "Đây là cái vượt trội nhất và được mong chờ nhất bởi bác sĩ đã phải xử lý làm một mình độc lập hoàn toàn không có sự hỗ trợ trực tiếp từ đồng nghiệp, ngoài ra còn bị áp lực xung quanh khi anh em lo lắng, khi kết nối được với bờ các thông tin để kịp xử lý ngay, điều đó còn giúp cấp cứu giờ vàng cho người bệnh" - bác sĩ Đoàn Quyết Thắng cho biết thêm.
Những bác sĩ Khoa y tế biển của Trung tâm y tế Vietsovpetro luôn vui vẻ, đoàn kết và cần mẫn với công việc ngay cả khi đã về bờ. |
Ngoài lịch đi biển, khi giao ca về bờ, các bác sĩ của Khoa Y tế biển lại cùng nhau làm báo cáo, trao đổi và thảo luận công việc cũng như tham gia các khóa đào tạo chuyên môn do Trung tâm y tế Vietsovpetro tổ chức để nâng cao trình độ, phục vụ tốt hơn cho công việc của mình, đồng thời tham gia trực cấp cứu và khám chữa bệnh tại bờ.
Đào tạo chuyên môn cho bác sĩ trên công trình biển do Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn. |
Trong niềm vui của mùa xuân mới, thực hiện hành động “làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, phát huy văn hóa đoàn kết, của người dầu khí, những bác sĩ ở các giàn khoan, công trình biển vui vẻ hát vang lời ca “mùa xuân từ những giàn khoan, giữa biển khơi ngàn trùng sóng vỗ, mùa xuân hạnh phúc tình yêu, ta hãy cười mùa xuân thêm vui”. Họ sống với đồng nghiệp trên giàn, trên tàu nhiều hơn sống với vợ con nên bác sĩ của những giàn khoan luôn thầm cảm ơn hậu phương vững chắc “gia đình của mình” vì họ luôn là chỗ dựa tinh thần để các anh hoàn thành nhiệm vụ. "Những người chiễn sĩ áo trắng không ồn ào, dữ dội như những con sóng giữa Biển Đông, họ vẫn lặng lẽ với công việc khám, chữa bệnh cứu người và đảm bảo sức khỏe cho những người lao động dầu khí yên tâm đi tìm dầu để làm giàu cho tổ quốc, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc quê hương Việt Nam".
Hoa sen trên giàn khoan dầu khí. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Trung tâm y tế Vietsovpetro cho biết, điều quan trọng nhất của y tế biển đảo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên tham gia, ra y lệnh kịp thời và kích hoạt quy trình cấp cứu trên biển. Trên công trình biển, do hạn chế về phương tiện xét nghiệm, công cụ hội chẩn tại chỗ, bác sĩ phải có khả năng và nhạy bén nhận định về tình trạng bệnh để đưa ra các y lệnh, chỉ định cần thiết. “Về mặt chuyên môn, để hạn chế số ca cấp cứu trên biển, trung tâm chúng tôi tổ chức khám sức khỏe định kỳ một cách kỹ càng, toàn diện cho tất cả cán bộ, công nhân viên làm việc trên biển. Nhưng khi có sự cố xảy ra, việc cấp cứu trên biển luôn được ưu tiên”. Theo đề án của Bộ Y tế, Trung tâm y tế Vietsovpetro là một trong sáu đơn vị hồi sức cấp cứu sẽ trở thành trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (telemedicine). |
Gia Linh