Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời tiết diễn biến bất thường
Sáng 2/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế cung cấp thông tin y tế Quý I/2024 và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế và đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ cùng dự buổi gặp mặt.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Y tế đã cung cấp thông tin và giải đáp câu hỏi của phóng viên báo chí về những vấn đề đang được xã hội quan tâm như phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo thuốc, vật tư y tế cho hoạt động khám, chữa bệnh, việc xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế…
* Chưa có bằng chứng biến thể JN.1 của COVID-19 có độc lực cao hơn
Thông tin về phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, một số khu vực trên thế giới đang trong mùa Đông giá lạnh, gió mùa là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp lây lan. Số mắc COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ghi nhận gia tăng trong thời gian qua, nhiều trường hợp phải nhập viện.
“Đối với COVID-19, biến thể JN.1 đã phát hiện ở các trường hợp mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là biến thể thuộc nhóm cần quan tâm (VOI), theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron, đã gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới, khu vực thời gian gần đây”, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm cho biết.
Biến thể JN.1 có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch. Tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể trước đây. Nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp ở cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên, WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi tăng cường, mũi bổ sung ở các đối tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế, trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Tại nước ta, thời tiết vẫn diễn biến bất thường. Miền Bắc đang là mùa giá lạnh, hanh khô, xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm sắp tới; nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp và trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị về đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán và lễ hội 2024.
Bộ Y tế đã liên tục có các công văn số 8147/BYT-DP ngày 22/12/2023 và công văn số 40/DP-DT ngày 16/1/2024 để chỉ đạo việc tăng cường phòng, chống dịch mùa đông xuân và trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm; thường xuyên cung cấp, cập nhật khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân, bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm những biến thể mới, tác nhân gây bệnh, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai...
Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bố trí kinh phí, huy động nguồn lực và tham mưu HĐND ban hành định mức chi các nội dung phạm vi lĩnh vực y tế dự phòng, phòng, chống dịch để chủ động triển khai phòng, chống dịch ngay từ đầu năm. Bộ đã hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị ban hành...
*Nhiều hoạt động nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 63/KH-BYT ngày 12/1 về việc tổ chức hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam với chủ đề: "Ngành Y tế: Đoàn kết - Chung sức - Đồng lòng". 100% các đơn vị trong toàn ngành triển khai thực hiện kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình cụ thể của từng đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.
Ngày 1/2, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông trong Quý I/2024. Trong đó, Bộ Y tế phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương tổ chức chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VI, tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 26/2.
Dịp này, Bộ Y tế thực hiện nhiều chương trình tọa đàm, phát thanh đặc biệt, phim tài liệu, phóng sự, tin, bài phỏng vấn các tập thể, cá nhân tiêu biểu,… nhằm ghi nhận và tôn vinh những công lao đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Việc này nhằm thiết thực nêu gương, lan tỏa hình ảnh đẹp, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế luôn sẵn sàng cống hiến, vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Bích Thủy