Các loại dịch bệnh giảm nhưng không thể chủ quan
Tuần trước Tết Giáp Thìn 2024, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, Sở Y tế Thành phố vẫn cảnh báo người dân nên chủ động các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Ngành Y tế Thành phố giám sát chặt tình hình dịch bệnh, theo dõi sự xuất hiện của biến thể mới và lên phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống bất thường.
Trong tuần cận Tết (từ ngày 29/1 đến ngày 4/2), tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh ổn định, các loại dịch bệnh đều có xu hướng giảm so với trước. Cụ thể, số ca mắc COVID-19 trong tuần là 25 ca, giảm 28% so với tuần trước và giảm 40% so với trung bình 4 tuần trước. Tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng giảm liên tục mỗi tuần, kể từ đầu năm 2024. Tuần vừa qua, Thành phố ghi nhận 207 ca sốt xuất huyết và 139 ca tay chân miệng, giảm lần lượt 24% và 37% so với trung bình 4 tuần trước.
Từ ngày 8/2 (29 Tết), hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm chủng mở rộng tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ tạm ngưng đến hết ngày 14/2 (mùng 5 Tết) theo lịch nghỉ Tết 2024 của công chức, viên chức, người lao động. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, hoạt động tiêm vaccine sẽ được triển khai trở lại. Lịch và địa điểm tiêm cụ thể của từng nơi sẽ được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố. Các loại vaccine hiện có tại các cơ sơ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn Thành phố gồm vaccine Pfizer phòng COVID-19 và các loại vaccine cho trẻ em trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, bại liệt, Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella và vaccine uốn ván dành cho phụ nữ mang thai.
Sự xuất hiện biến thể phụ của Omicron JN.1. tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 12/2023 với những đặc điểm kháng nguyên mới cho phép virus dễ dàng thoát khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch khiến bệnh có thể lây lan nhanh hơn cũng gây ra lo ngại về sự bùng phát của COVID-19 trong kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Các biến chủng SARS-CoV-2 hiện nay đều gây ra các triệu chứng COVID-19 tương tự nhau và mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào tình trạng của hệ miễn dịch, trạng thái sức khỏe của từng người (có các bệnh nền hay không). Trước những biến đổi không ngừng của virus SARS-CoV-2, việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ là giải pháp quan trọng chủ yếu để có thể “sống chung” với COVID-19.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhóm người nguy cơ vẫn cần được bảo vệ bằng các biện pháp như: Kiểm soát ổn định các bệnh lý mạn tính đang mắc phải; tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, tăng cường vận động thể lực; rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi đến nơi đông người./.
Đinh Hằng