Nắng nóng kéo dài ở TPHCM: Làm gì để bảo vệ sức khỏe học sinh?
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, cuối tháng 2, Đông Nam Bộ có thể xuất hiện nắng nóng diện rộng, một số nơi nắng nóng gay gắt.
Trẻ em đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh |
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh các cấp tại TPHCM quay trở lại trường phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khoẻ và học tập.
Nhiều biện pháp phù hợp
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, cuối tháng 2, Đông Nam Bộ có thể xuất hiện nắng nóng diện rộng, một số nơi nắng nóng gay gắt (nhiệt độ trên 37 độ C). TPHCM sẽ có mức nhiệt cao nhất phổ biến 36 độ C trong 10 ngày tới. Thời gian nắng nóng trong ngày khoảng từ 12 giờ đến 16 giờ. Mùa nắng nóng năm 2024 khả năng sẽ đến sớm hơn so với năm 2023.
“Trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia cực tím (UV) ở mức cao tác động tới sức khỏe người dân khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời gian kéo dài”, Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ khuyến cáo.
Bà Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) cho biết, nhà trường đã sắp xếp bố trí thời khóa biểu ưu tiên khung giờ sáng tổ chức dạy các môn học và hoạt động giáo dục ngoài trời. Trường hạn chế cho học sinh tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa vào đầu giờ chiều và trong những khoảng thời gian nắng nóng.
Cùng với việc tổ chức kiểm tra các thiết bị điện như quạt điện, điều hòa, mở cửa sổ để thông thoáng tại mỗi phòng học, nhà trường còn cùng thầy cô phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và phòng chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng cao điểm này.
Tại Trường Mầm non Hướng Dương Vàng Thủ Đức (quận Thủ Đức), trẻ được học và sinh hoạt tại các lớp đều có quạt mát và máy lạnh. Khuôn viên vui chơi của trẻ ngoài trời đều bố trí che chắn và cây xanh có bóng mát phục vụ cho hoạt động ngoài trời.
Bà Phạm Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 (Quận 12) cho biết, sau Tết là khoảng thời gian thời tiết nắng nóng nhất trong năm, nhà trường đã lên kế hoạch điều chỉnh các hoạt động học tập và thực đơn ăn uống. Trường cũng luôn cung cấp đủ nước uống, xây dựng khẩu phần ăn nhiều chất dinh dưỡng đảm bảo sức khoẻ và nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Bên cạnh đó, các giáo viên tăng cường thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh cho trẻ như quét lau dọn các phòng học thường xuyên, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, chăn, gối... Chú ý quan sát, phát hiện những bệnh mùa Hè thường gặp ở trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời, không để lây và phát triển thành dịch.
“Trong những ngày nhiệt độ ngoài trời cao bất thường, các lớp học luôn bật điều hòa ở nhiệt độ vừa phải. Đến giờ đón trẻ, giáo viên sẽ tắt điều hòa trước từ 5 - 10 phút để cơ thể trẻ không bị sốc nhiệt”, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 (Quận 12) nói.
Cô và trò Trường Mầm non Hướng Dương Vàng Thủ Đức, quận Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh |
Những điều cần lưu ý
Tại một phòng khám nhi ở quận Gò Vấp, chị Nguyễn Thị Hương (31 tuổi) bế con gái 3 tuổi đến khám vì bé sốt, ho, nôn nhiều. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm amidan sưng mủ, viêm họng. “Từ khí hậu mát mẻ sang thời tiết nóng bức và tại lớp hay ở nhà đều sử dụng điều hoà, thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến con dễ bị các bệnh về đường hô hấp”, chị Hương nói.
Mẹ bệnh nhi cho biết, trong thời tiết nắng nóng, để con có sức đề kháng tốt hơn đã mua thêm vitamin, siro bổ phế theo đơn của bác sĩ. Khi đi ngủ, không để nhiệt độ quá chênh lệch so với bên ngoài. Trên lớp, chị cũng phải dặn dò các cô cho con nằm cách xa điều hoà. Không chỉ vậy, chị Hương cũng đưa con đi học sớm hơn 20 phút và đón muộn hơn vì theo chị, khi nhiệt độ bên ngoài còn đang ở mức cao, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khi trẻ vận động ở điều kiện nhiệt độ cao, nắng có thể khiến cơ thể bị mất nước, kiệt sức. Tình trạng này dẫn đến rối loạn điện giải, các vi khuẩn Hemophilus Influenza, phế cầu, liên cầu dễ xâm nhập tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản… Ngoài ra, không khí nóng ẩm càng khiến vi khuẩn phát tán nhanh chóng, thực phẩm dễ ôi thiu gây bệnh tiêu hóa.
Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có những biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi... Nếu trẻ sốt cao nhiều giờ kèm theo các triệu chứng nôn ói, mệt mỏi, bỏ ăn thì nên cho bé đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý điều trị, mua thuốc cho con uống khi không có chỉ dẫn bác sĩ.
Khi dùng máy lạnh và quạt cần lưu ý để ở mức vừa phải, không quá thấp, khoảng 23 - 26 độ C, tùy thuộc vào nhiệt độ bên ngoài. Không để điều hòa thổi thẳng vào mặt trẻ, tránh để trẻ ra ngoài đột ngột trước khi điều chỉnh nhiệt trong phòng gần với thời tiết thực. Để tránh tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ, trẻ không nên tắm nhiều lần trong ngày.
Khi đi học, hoạt động, vui chơi kéo dài trong thời tiết nắng nóng, trẻ cần được cung cấp đủ nước để tránh tình trạng mất nước. Cha mẹ hạn chế cho trẻ uống nước lạnh và thoải mái chơi trong thời tiết nắng nóng.
Cần tăng cường các loại nước trái cây, rau củ, bổ sung vitamin, bảo quản thực phẩm cẩn thận. Các bậc phụ huynh nên hạn chế đưa trẻ ra đường khi nắng nóng hơn 30 độ C, nhất là thời điểm chỉ số tia cực tím cao từ 11 giờ đến 14 giờ.
Trẻ em có khả năng kiểm soát thân nhiệt không hiệu quả, sức đề kháng chưa thật sự hoàn chỉnh sẽ nhiều nguy cơ bị bệnh. Phụ huynh và thầy cô cần quan tâm và chú ý hơn để trẻ có chế độ dinh dưỡng phù hợp và phòng ngừa các bệnh thường gặp trong mùa nóng.
Theo bác sĩ Phan Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì nguy cơ bị say nắng có thể xảy ra ở môi trường bên ngoài hoặc trong không gian kín, nhiệt độ cao.
Các biểu hiện của say nắng có thể từ những biểu hiện sớm là trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, da mặt đỏ gay, rối loạn tri giác, khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim tăng lên và có thể hôn mê.
Bác sĩ Sơn hướng dẫn, để sơ cứu người bị say nắng cần nhanh chóng đưa người bệnh đến nơi mát mẻ và thoáng khí. Cởi bỏ quần áo, dùng khăn ướt đắp vào cổ, nách, bẹn; cho bệnh nhân uống nước và nhất là những loại nước có điện giải.
Lưu ý, không nhúng người bệnh vào nước để tránh nguy cơ bị hít sặc, làm tình trạng nghiêm trọng thêm. Nếu người bệnh hôn mê kèm các triệu chứng đau ngực, khó thở phải nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân.