A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định chú trọng giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh

Những năm qua, hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức trong nhà trường luôn được ngành Giáo dục tỉnh Bình Định quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, qua đó góp phần giáo dục, rèn luyện toàn diện, nhân cách, phẩm chất của học sinh; khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Trường THCS Tây Sơn (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) được xem là đơn vị có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức mang tính thiết thực, hiệu quả cao. Trong các năm học, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo Liên đội, các giáo viên tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cho các em học sinh bằng các hình thức trực quan, sinh động để giúp các em say mê, hứng thú hơn với nội dung học tập.

Theo đó, không chỉ là nghe giảng những kiến thức lịch sử trên lớp, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương, đất nước trong những buổi ngoại khóa hay các cuộc thi. Trong mỗi năm học, trường đều tổ chức hoạt động tham quan một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như: Di tích Trại giam Nữ tù binh Phú Tài, Di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, Đài kỷ niệm Tập kết ra Bắc… Nhờ vậy, các em hiểu hơn về một phần lịch sử của dân tộc; biết ơn và tự hào về thế hệ cha ông đi trước. Đồng thời, khơi dậy trong các em thái độ lao động, học tập nghiêm túc, trách nhiệm với xã hội, với tương lai của chính bản thân.

 Học sinh Trường THCS Tây Sơn tham quan và tìm hiểu tại di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ. (Ảnh: Hội đồng Đội TP Quy Nhơn).

Em Lê Nguyễn Quỳnh Anh, lớp 9A3, Trường THCS Tây Sơn chia sẻ: “Được tham quan, sinh hoạt tại các di tích lịch sử, em có thêm nhiều kiến thức và cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, địa phương. Đặc biệt, các nhân vật lịch sử là những tấm gương sáng để em học tập và noi theo. Em luôn tự nhủ sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt, sau này góp phần nhỏ xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước để hôm nay chúng em được sống, học tập trong hòa bình”.

Điểm nổi bật trong hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức của ngành Giáo dục tỉnh Bình Định đó là các cơ sở giáo dục đã kết hợp hài hòa giữa giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa; qua đó giúp tăng sức thu hút đối với học sinh. Bên cạnh những giờ học môn Giáo dục công dân, các hoạt động tuyên truyền dưới cờ, giờ sinh hoạt ngoại khóa, nhiều nhà trường còn tổ chức các hội thi như “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, tọa đàm “Cảm xúc tháng 4” để giáo dục truyền thống, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Vào Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, các trường thường chức sinh hoạt nói về ý nghĩa sự ra đời của Đảng; Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, thường mời các cô, chú là những nhân chứng lịch sử đến nói chuyện với học sinh trong tiết sinh hoạt dưới cờ,… Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực này đã mang lại hiệu quả giáo dục to lớn; giúp học sinh thêm tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, của đất nước…

Không chỉ giáo dục truyền thống quê hương, đất nước, nhiều trường còn chú trọng giáo dục truyền thống của đơn vị, của nhà trường. Theo đó, học sinh hiểu hơn về thân thế của các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc… được chọn để đặt tên trường của mình. Em Lê Hoài Mỹ Anh, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Em rất tự hào được là học sinh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ngôi trường giàu truyền thống. Noi theo tấm gương danh nhân Lê Quý Đôn, em luôn nỗ lực học tập để xứng đáng với truyền thống của Nhà trường”.

 Hoạt động ngoại khóa của Lớp 10 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại Di tích Lịch sử khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. (Ảnh: Bửu Chung).

Thực tế cho thấy, công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cho thế hệ trẻ của ngành Giáo dục tỉnh Bình Định đã và đang phát huy hiệu quả to lớn trong việc giáo dục, rèn luyện, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong học sinh, sinh viên; đã giúp các em có điều kiện rèn luyện và trưởng thành, sống gương mẫu, có lý tưởng… Tuy nhiên, hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức có lúc, có nơi, còn có nội dung mang nặng tính hình thức, chưa thiết thực. Nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống triển khai có hàng nghìn học sinh tham gia nhưng hiệu quả giáo dục chưa cao. Hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức ở một số cơ sở chưa thiết thực, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội và nhu cầu của học sinh do nội dung thiếu sáng tạo, hình thức rập khuôn, khô cứng, chưa gắn được với nhu cầu, lợi ích chính đáng, chưa khơi dậy tinh thần tự học, tự tìm hiểu về truyền thống dân tộc của học sinh, sinh viên…

Để công tác giáo dục truyền thống, đạo đức trong học đường đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh Bình Định sẽ tăng cường chỉ đạo các nhà trường thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi nhân các ngày lễ lớn… nhằm khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc ở học sinh. Cùng với đó, cần căn cứ vào cấp học, lứa tuổi học sinh mà đưa ra những hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp; xây dựng môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cấp bộ Đoàn, gia đình và xã hội. Đặc biệt, coi trọng phát huy vai trò công tác Đoàn, Đội trong tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động về nguồn, thăm các “địa chỉ đỏ”, tham quan, dã ngoại, ngoại khóa; tổ chức đăng ký, đảm nhận việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; các cuộc thi tìm hiểu liên quan lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa của đất nước, của quê hương… từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, đạo đức; bồi đắp lòng yêu nước cho học sinh trong tình hình mới hiện nay./.

Nguyễn Thị Phượng

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm