Hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển các ngành công nghệ cao, tiên tiến
TPHCM mong muốn hợp tác sâu rộng với ba quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc để phát triển các ngành công nghệ cao, tiên tiến, thành lập những trung tâm nghiên cứu vi mạch, bán dẫn tại thành phố, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ngày 14/4, Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) TPHCM làm việc với đoàn công tác gồm ba Tổng Lãnh sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc tại TPHCM về phương hướng hợp tác, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc C4IR TPHCM Lê Trường Duy giới thiệu về C4IR và đề xuất một số định hướng hợp tác với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo ông Lê Trường Duy, C4IR có nhiệm vụ chính là thúc đẩy hợp tác giữa TPHCM với khuôn khổ 24 trung tâm Cách mạng công nghiệp trên toàn cầu trong hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế thế giới; mở rộng, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, các Bộ ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp để tiến tới hợp tác lĩnh vực khoa học công nghệ, ứng dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Quang cảnh buổi làm việc
Giám đốc C4IR TPHCM Lê Trường Duy chi biết, TPHCM mong muốn hợp tác sâu rộng với ba quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc để phát triển các ngành công nghệ cao, tiên tiến, thành lập những trung tâm nghiên cứu vi mạch, bán dẫn tại thành phố, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Theo đó, đề xuất lập sàn giao dịch công nghệ quốc tế theo mô hình công tư giữa Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc để cùng tạo ra công nghệ mới và hàng hóa công nghệ có giá trị cho tất cả các bên. Thiết lập cơ chế điều phối chuỗi cung ứng bền vững thông qua các công cụ công nghệ tiên tiến để thắt chặt, nâng cao giá trị, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia.
Trung tâm cũng mong muốn thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, mong muốn thu hút ít nhất hai nhà đầu tư từ mỗi quốc gia đầu tư vào TPHCM trong các lĩnh vực trọng điểm như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ sinh học và nghiên cứu phát triển (R&D).
Bên cạnh đó, xây dựng khung hợp tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lâu dài. Trong đó, trước mắt tập trung vào việc đào tạo 1.000 kỹ sư chuyên sâu cho giai đoạn 2025 - 2026, cùng với đó hỗ trợ ít nhất 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM có cơ hội tiếp cận, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phổ quát và chuyên ngành. Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và trao đổi sinh viên chuyên ngành khoa học công nghệ. Qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và sinh viên được học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn.
Các đại biểu của ba đoàn công tác đều đánh giá cao những kết quả đã đạt được của TPHCM trong lĩnh vực công nghệ cao; bày tỏ sự tin tưởng vào cơ hội hợp tác giữa các bên và tiềm năng phát triển những ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo ở TPHCM.
Các đại biểu đề nghị TPHCM cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng hơn và rút ngắn thời gian giải quyết. Chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp tốt và thực chất hơn, thiết lập những kênh liên lạc thuận tiện, rõ ràng và cụ thể hơn. Đồng thời, các đại biểu đề nghị TPHCM cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là cần cung cấp nguồn điện tốt và ổn định hơn; kết nối viễn thông tốt hơn…
Giám đốc C4IR TPHCM Lê Trường Duy khẳng định sẽ truyền đạt đầy đủ những đề nghị này đến lãnh đạo cao nhất của TPHCM. Ông cho biết thêm: TPHCM luôn mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư một cách nhanh chóng và thực chất. Việc các bên cùng lên tiếng và đưa ra giải pháp là cơ sở để thành phố từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả chúng ta phải cùng vào cuộc nhằm thúc đẩy lợi ích chung cao nhất cho bốn quốc gia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp của bốn quốc gia nói riêng.
Hải Long (t/h)