A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các cuộc thanh tra đã tập trung theo từng lĩnh vực, chuyên đề được dư luận quan tâm

Trong năm 2023, hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Các cuộc thanh tra đã tập trung theo từng lĩnh vực, chuyên đề được dư luận quan tâm, dễ có nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo nội dung theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh.

Article thumbnail
Thanh tra tỉnh Hưng Yên tiếp dân, tập trung giải quyết kịp thời những KNTC từ cơ sở không để phát sinh “điểm nóng”. Ảnh: QĐ

Theo báo cáo tổng kết công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Thanh tra tỉnh Hưng Yên, trong năm 2023, toàn ngành đã thực hiện 293 cuộc thanh tra hành chính và đã kết thúc, ban hành kết luận 251 cuộc. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền hơn 80 tỷ đồng; xử lý về đất đai là 27.108m2 đất do người dân vi phạm khi xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất hành lang giao thông, thủy lợi. Từ đó, kiến nghị xử lý hành chính 37 tập thể, 4 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc liên quan đến sai phạm tại Hợp tác xã 19/8.

Thanh tra các sở, ngành, các đơn vị thuộc sở, ngành đã tiến hành 299 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 834 tập thể, cá nhân; phát hiện 530 tập thể, cá nhân có sai phạm; hướng dẫn, chấn chỉnh, nhắc nhở nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm; ban hành 224 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Hưng Yên đã tiếp hơn 2.000 lượt công dân đến KNTC. Thống kê cho thấy, số đơn thư tiếp nhận tăng 4,06% so với cùng kỳ năm 2022. Qua công tác giải quyết KNTC đã kiến nghị xử lý về mặt hành chính 12 cán bộ, công chức; trả lại cho cá nhân 16 triệu đồng, bảo vệ quyền lợi cho 2 công dân.

Đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã thực hiện rà soát và còn 10 vụ việc. Ngày 2/8/2023, UBND tỉnh có Công văn số 2073/UBND-NC đồng ý đưa 6 vụ việc ra khỏi danh sách rà soát do không có tình tiết mới hoặc công dân không có đơn gửi cơ quan hành chính có thẩm quyền; còn 4 vụ việc công dân tiếp tục khiếu kiện, yêu cầu các địa phương tiếp tục giải quyết dứt điểm.

Cụ thể: Vụ việc một số công dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao của huyện Văn Giang liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và triển khai dự án Ecopark; 5 công dân tại xã Cửu Cao, huyện Văn Giang khiếu nại các quyết định thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dịch vụ xã Cửu Cao tại xã Cửu Cao; một số tiểu thương tại chợ Như Quỳnh cũ và nhân dân khu phố Như Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm không đồng thuận trong việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng chợ và khu nhà ở thương mại Như Quỳnh; một số công dân thôn Phúc Bố, xã Ngọc Lâm, thị xã Mỹ Hào đề nghị nâng mức bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án Khu công nghiệp Minh Đức.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, trong năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên quan tâm và chỉ đạo sát sao, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đã được ban hành để triển khai thực hiện công tác PCTN trên địa bàn tỉnh, như Quy chế số 18-QC/TU về việc phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.

Qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh chưa phát hiện vụ việc và đối tượng có hành vi tham nhũng. Trong kỳ báo cáo chưa có vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Công an tỉnh đã khởi tố 15 vụ án tham nhũng với 53 đối tượng. Trong đó, có 7 vụ án đưa ra xét xử với 21 đối tượng bị kết án với tổng số tiền, tài sản phải thu hồi, bồi thường là hơn 104 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm 2024, Thanh tra tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện các cuộc thanh tra đã được phê duyệt đảm bảo có chất lượng, hiệu quả, không chồng chéo; hoàn thiện Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt trước đó. Đồng thời, kịp thời xử lý khi có chồng chéo về đối tượng, thời gian thanh tra giữa Thanh tra tỉnh, thanh tra bộ, thanh tra các sở, ngành, thanh tra các huyện, thị xã, thành phố. Thường xuyên theo dõi việc thực hiện các kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật. Kiểm tra đối với các đơn vị chậm báo cáo, chậm thực hiện các kết luận thanh tra đã có thời hạn, có hiệu lực pháp luật; cơ quan thanh tra phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và cơ quan liên quan trong việc thực hiện kiến nghị tại các kết luận thanh tra trong xử lý các sai phạm.

Đồng thời, làm tốt công tác theo dõi, dự báo tình hình KNTC và tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm từ cơ sở các vụ việc mới phát sinh, nhất là các vụ việc liên quan đến lĩnh vực tài chính, đất đai, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, các chế độ, chính sách của người dân; lập danh sách theo dõi các đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp, bức xúc, kéo dài trên địa bàn (nếu có) để phân loại, phân công xử lý, đối thoại, không để phát sinh thành “điểm nóng”.

Nâng cao hiệu quả công tác PCTN qua công tác thanh tra, giải quyết KNTC. Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về PCTN, nhất là đối với các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản và việc giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp…

Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân về tiếp công dân, KNTC, PCTN đối với các đơn vị trên địa bàn.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm