A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước nhận thức và kiểm soát được rủi ro

Trước nguy cơ nợ xấu tăng cao, đại diện NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Ngành ngân hàng nhận thức được rủi ro và đã có những giải pháp để kiểm soát nợ xấu, dòng chảy tín dụng.

Để làm rõ vai trò của ngành Ngân hàng với nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch, cũng như những định hướng chính sách của ngành năm 2022, Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú về vấn đề này.

Tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,57%, trong khi đó, tăng trưởng tín dụng khoảng 13%. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế không tương đồng với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chủ trương của NHNN là tạo thuận lợi cho dòng tiền tập trung lĩnh vực ưu tiên, cần thiết, đặt biệt là nhanh chóng khôi phục kinh tế nhưng cũng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán hoặc tham gia vào hoạt động phát hành trái phiếu của những doanh nghiệp không đảm bảo độ an toàn, đúng hơn lĩnh vực rủi ro cao.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, trong bất động sản vẫn có các dự án là nhu cầu mua bán nhà ở thực, nhà ở xã hội hay chứng khoán thì cũng vẫn có nhóm giúp phát triển thị trường lành mạnh thì ngân hàng vẫn sẽ rót vốn. NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tiền chảy vào các nhóm đầu cơ, đẩy giá, gây hiện tượng tăng nóng, gây “bong bóng” thị trường.

NHNN sẽ làm gì để hướng dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trên cơ sở thực tế điều hành năm 2021, năm 2022 NHNN thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế, bám sát chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng tiền, đảm bảo ổn định tỷ giá, quản lý tốt thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Điều hành tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho nền kinh tế, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hướng dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên, mặt khác khai thác tối đa nguồn lực trong nền kinh tế, thông qua các tổ chức tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tín dụng ưu đãi.

Để đảm bảo vốn phục cho nền kinh tế, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 khoảng 14% để vừa đảm bảo các ngân hàng có dư địa tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, vừa tiếp tục cho vay mới ra nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế tín dụng năm 2022 có thể ở mức cao hơn hoặc thấp hơn tuỳ theo mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát 2022 và nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 là 3,3%. Điều này có đáng ngại đối với Việt Nam. NHNN làm gì để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế trong năm tới?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Áp lực lạm phát là lớn và hiện hữu khi Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tới gần 200% GDP. Áp lực lạm phát nhập khẩu là khá cao. Vì vậy để duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi đã là áp lực lớn với ngành ngân hàng.

Năm 2021 mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm 0,82%. Hiện trần lãi suất cho vay VND do NHNN quy định là 4,5%, lãi suất cho vay thực với lĩnh vực ưu tiên là 4,32%. Mức lãi suất cho vay này đã thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của các nước Asean+4, còn so với một số nước có điều kiện kinh tế tương đồng như Mông Cổ, Pakistan và một số nước khác thì mặt bằng lãi suất Việt Nam còn thấp hơn khá xa.

Trong bối cảnh lạm phát cao, hầu hết các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều có xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất. Như FED đã thu hẹp gói nới lỏng định lượng, thay vì dự kiến tăng lãi suất 2 lần trong năm 2022 thì FED tuyên bố tăng 3 lần, thay vì nhận định lạm phát là tạm thời thì FED đã khẳng định lạm phát có tính hiện hữu và xác thực.

Nợ xấu là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong năm 2021 và có thể là cả năm 2022-2023. Ngân hàng Nhà nước nhận định ra sao về nguy cơ nợ xấu năm 2022?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đúng là nợ xấu năm 2021 đã được nhận diện, khi tác động của dịch dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp, người dân không trả được nợ, tất yếu nợ xấu sẽ tăng lên và đây là vấn đề của cả nền kinh tế. Trong năm 2022, NHNN xác định nợ xấu sẽ là vừa là thử thách vừa phải đối mặt. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, ngành ngân hàng cũng đã có giải pháp để ứng phó với nợ xấu. Trước hết phải đảm bảo an toàn tài chính cho các tổ chức tín dụng, có nguồn lực để xử lý nợ xấu cũ và mới. Với nợ xấu cũ, sau 1 thời gian tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã hoàn thành tích cực nhưng do điều kiện khách quan của dịch bệnh tiếp tục phát sinh nợ xấu mới.

NHNN đã và đang xác định quy mô, mức độ nợ xấu có thể diễn ra trong 2022 và những năm tới để có giải pháp thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm, nhưng cũng phải có biện pháp cụ thể cả về hành lang pháp lý, thẩm quyền xử lý. Cần thiết NHNN có thể trình Chính phủ, Quốc hội để nâng Nghị quyết 42 thành Luật về Xử lý nợ xấu - là giải pháp tích cực để vừa ngăn chặn, vừa xử lý nợ xấu do dịch bệnh gây ra.

Theo số liệu thống kê, nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2021 là 1,9% (cuối 2020 là 1,69%); nợ nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ VAMC là 3,79%. Nếu tính toán đầy đủ hơn, cẩn trọng và xét đoán tới tác động của dịch, là những khoản nợ trong cơ cấu lại nợ, lãi đến hạn theo thông tư 01, 03 thì ước đoán tỷ lệ nợ xấu khoảng 8,2%. Thậm chí nợ xấu có thể tiếp tục tăng cao hơn nếu dịch bệnh tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chúng ta đã có hơn 10 năm kinh nghiệm xử lý nợ xấu và xử lý nợ xấu là làm sao ‘cục máu đông phải được nhanh để không gây tắc đường, không gây tắc nghẽn nền kinh tế’.

Xin cảm ơn ông!

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm