A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi một số điều của 9 Luật

Sáng 24/1, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì buổi họp báo.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 09 luật, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19; đơn giản hoá thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm: 09 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà  công bố Lệnh của Chủ tịch nước.
Ảnh: TH.

Với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 Luật  sửa đổi, bổ sung thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết đị chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.

Điều 4 của Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, theo hướng quy định về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường lại hợp sau đây mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: (i) có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; (ii) có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Nhằm bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Điều 5 của Luật sửa đổi, bổ sung 02 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 và bổ sung Điều 33a để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này...

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết kỹ thuật lập pháp một luật sửa nhiều luật đã được quy định trong Luật văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 chỉ được áp dụng trong những trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận định rõ trong các Luật.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho hay, tới đây chúng ta tiếp tục đẩy mạnh quá hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo đúng tinh thần văn kiện Đại hội XIII đã xác định. Tuy nhiên, theo ông Hiếu không nên lạm dụng kỹ thuật lập pháp này, chỉ sử dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách, sửa đổi bổ sung một số nội dung cụ thể đã phát hiện, nhận diện, đánh giá tác động kỹ lưỡng vì sử dụng kỹ thuật lập pháp này khá phức tạp.

Để dễ áp dụng, Thứ trưởng Hiếu cho biết sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản theo quy định Pháp lệnh hợp nhất các VBQPPL.

Tới đây, Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan sẽ tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật để cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin tới người dân, cộng đồng doanh nghiệp để họ hiểu được nội dung Luật. Thứ trưởng nhấn mạnh để đưa Luật vào cuộc sống thì vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí rất quan trọng.

Tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b khoản 1 Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2 Điều 55, khoản 2 Điều 57).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thông tin những nội dung cơ bản của Luật. Ảnh: TH. 

Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, dự thảo Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản. Dự thảo Luật còn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho hay, việc quy định uỷ thác tài sản 1 lần cho 1 vụ việc gây khó khăn cho quá trình thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tạo kẽ hở thất thoát tài sản. Việc ra mở ra cơ chế ủy thác tài sản tại nhiều địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà thông tin thêm: Thời gian qua công tác thu hồi tài sản tham nhũng thấp, mặc dù những năm gần đầy có tiến bộ, song tính trung bình chỉ thu hồi được  khoảng 10% tài sản tham nhũng. Chính phủ đã phát hiện ra điểm nghẽn quan trọng, trong lần sửa đổi này đã tập trung tháo gỡ điểm nghẽn. Đó là theo quy định của Luật thi hành án dân sự, thi hành án thì phải xử lý tài sản xong trên địa bàn thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác thi hành án trên các địa phương khác.

Dẫn chứng trung bình mỗi vụ việc thi hành án phải mất khoảng 6 tháng, Phó Chủ nhiệm Đỗ Đức Hồng Hà cho hay, nếu có 5 vụ việc thì phải kéo dài đến 3 năm. Luật thi hành dân sự đã bổ sung cơ chế mới là cơ chế xử lý tài sản đồng thời trên nhiều địa phương có tài sản, sẽ khắc phục điểm nghẽn trong thu hồi tài sản tham nhũng, vừa chậm vừa thấp như thời gian vừa qua./.

 
Vy Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm