Trước loạt động thái “hạ nhiệt” thị trường bất động sản, phân khúc nào sẽ “dẫn sóng” trong quý 2?
Giới chuyên gia bất động sản dự báo trong quý 2/2022, các phân khúc đều có xu hướng tăng, trong đó bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất.
Thực tế, từ năm 2020 tới nay, nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng sốt đất điên cuồng. Trước thực trạng đó, thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Phước đã yêu cầu tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan đến chia tách thửa đối với đất nông nghiệp…
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có nhiều văn bản yêu cầu các nhà băng siết hoạt động cho vay liên quan đến bất động sản. Một số ngân hàng đã có hành động tạm ngừng giải ngân cho bất động sản như Techcombank, Sacombank… Còn liên quan đến mức thuế chuyển nhượng đất đai, cơ quan chức năng cũng ra văn bản yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, chống khai gian thuế.
Trước những động thái trên, phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Anh T. cho rằng, việc ngân hàng siết cho vay tín dụng vào bất động sản có khả năng thời gian tới lãi suất cho vay sẽ tăng. Do đó, các nhà đầu tư nên vay dưới 50% giá trị bất động sản thì sẽ có lời còn nếu cao hơn thì mình đang làm giàu cho ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại cho rằng không quan tâm đến lãi suất ngân hàng quá nhiều, cái họ quan tâm là bất động sản đó có khả năng tăng giá như thế nào trong tương lai. Nếu bạn mua phải một bất động sản xấu, không tăng giá thì cho dù lãi suất có 0%, nhà đầu tư vẫn lỗ. Còn nếu bất động sản đó “ngon” thì lãi suất cao cỡ nào cũng không bằng một góc tỉ suất tăng giá. Do đó, điều quan trọng của nhà đầu tư là kiếm được bất động sản ưng ý.
Theo báo của Batdongsan.com.vn, trong quý 1/2022, đất nền chính là loại hình được tìm kiếm nhiều hơn cả thời điểm trước dịch Covid. Đây cũng là loại hình bất động sản "nóng" nhất trong hơn 2 năm dịch bệnh, phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát. Theo đó, lượt tìm kiếm đất nền trong quý 1/2022 vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, phân khúc chung cư cũng có nhu cầu tìm kiếm tăng cao cả ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, tập trung chính ở phân khúc bình dân.
Ngoài hai loại hình trên, thị trường cho thuê trong 3 tháng đầu năm cũng đã có sự khởi sắc do các hoạt động giao thương đã khôi phục trở lại. Trong thời gian tới, khi du lịch quốc tế được mở cửa hoàn toàn thì thị trường này được dự báo sẽ tiếp tục có sự phục hồi và tăng trưởng.
Giới chuyên gia bất động sản dự báo trong quý 2/2022, các phân khúc đều có xu hướng tăng, trong đó bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng cao thì đầu tư vào phân khúc nào sẽ “trú ẩn” an toàn hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi - CEO Công ty tài chính FINA cho rằng, nếu lạm phát nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ ở mức từ 2% – 4% thì tất cả các phân khúc bất động sản đều được hưởng lợi, tuy nhiên bất động sản công nghiệp, du lịch, cho thuê và nhà ở sẽ “hời” nhất.
Nếu lạm phát tăng trên mức 4% vượt tầm kiểm soát bắt buộc Chính phủ phải đưa ra những động thái gián tiếp như tăng lãi suất ngân hàng, siết vốn tín dụng,… khi đó sẽ tác động đến bất động sản. Sản phẩm có yếu tố bền vững, mang tính gìn giữ tài sản sẽ càng gia tăng giá trị, những sản phẩm có yếu tố đầu cơ sẽ tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên điều đó sẽ rất khó xảy ra khi Chính phủ liên tục tung ra những chính sách phục hồi kinh tế kịp thời.
Đồng quan điểm với ông Khôi, chuyên gia bất động sản Đinh Nhất Quý cũng cho rằng, diễn biến thị trường bất động sản trong năm 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ. Trong đó, khu vực miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên,… sẽ là địa phương được hưởng lợi từ các dự án trọng điểm quốc gia, đáng chú ý là phân khúc bất động sản công nghiệp.
https://cafef.vn/truoc-loat-dong-thai-ha-nhiet-thi-truong-bat-dong-san-phan-khuc-nao-se-dan-song-trong-quy-2-2022041511142778.chn