A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin tức kinh tế ngày 1/10: Giá trị thương hiệu Việt tăng nhanh nhất thế giới

Giá trị thương hiệu Việt tăng nhanh nhất thế giới; Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2022 khoảng 8%; Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc trong 2,5 năm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 1/10.

Tin tức kinh tế ngày 1/10: Giá trị thương hiệu Việt tăng nhanh nhất thế giới

Giá trị thương hiệu Việt tăng nhanh nhất thế giới

Giá vàng thế giới biến động nhẹ, trong nước tăng mạnh

Giá vàng thế giới rạng sáng nay (1/10) biến động nhẹ, với giá vàng giao ngay giảm 2,3 USD xuống còn 1.661,1 USD/ounce.

Trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước tăng phi mã. Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường TP HCM tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 65,40 - 66,40 triệu đồng/lượng, dẫn đến giá mua vào và bán ra đều tăng 850 nghìn đồng so với cùng thời điểm phiên trước.

Giá vàng SJC trên hệ thống Doji tại thị trường Hà Nội là 65,40 - 66,40 triệu đồng/lượng, tăng 850 nghìn đồng mua vào và bán ra so với phiên cùng kỳ.

Bộ Công Thương: Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu

Liên quan đến việc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán, càng lỗ vì mức chiết khấu thấp và nhiều doanh nghiệp bán nhỏ giọt để bảo đảm không bị phạt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác. Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

“Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Chúng ta hiểu rằng đây là giá trần, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua” - ông Hải nói.

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch COVID-19

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dù nền kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng tăng trưởng chín tháng đầu năm bình quân ba năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%. Con số này chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%). Do đó, các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân năm năm 2021-2025 (6,5-7%/năm).

Giá trị thương hiệu Việt tăng nhanh nhất thế giới

Theo báo cáo của Brand Finance, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá trị các thương hiệu của Việt Nam tiếp tục tăng.

Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng 11%, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD. So với năm 2019, giá trị tuyệt đối thương hiệu Việt Nam tăng 74%, đây là mức tăng nhanh nhất thế giới.

Trong đó, giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu tăng 36% so với năm ngoái. 10 thương hiệu đứng đầu có giá trị 24,4 tỷ USD, chiếm 67% trong tổng số 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam.

NHNN hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay

Tại cuộc báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 tổ chức chiều 1/10, trả lời câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để bình ổn lãi suất cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong những tháng cuối năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước khi điều chỉnh lãi suất này cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Điều này thể hiện việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2022 khoảng 8%

Vấn đề tăng trưởng GDP, lạm phát và giải ngân vốn đầu tư công được báo chí quan tâm tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều nay (1/10).

Về dự báo tăng trưởng GDP 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh diễn biến như hiện nay, không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam từ bên ngoài, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%.

Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc trong 2,5 năm

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6 tháng 2022, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, bình quân mỗi năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc, chiếm 0,8% tổng biên chế.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ mặc dù đã có cải thiện, Trung ương và cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này nhưng nhìn chung chính sách tiền lương khu vực công còn nhiều khó khăn.

P.V (t/h)

 


Tác giả: Giá vàng thế giới biến động nhẹ, trong nước tăng mạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm