A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi phí vốn gia tăng - ngân hàng trước thách thức giữ ổn định lãi suất cho vay

Đợt điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi gần nhất của các ngân hàng sau động thái của nhà điều hành vẫn chưa tác động đến các khoản tiền gửi trung, dài hạn của các nhà băng, nhưng càng về sau các ảnh hưởng sẽ rõ hơn, khi đó với chi phí đầu vào tăng mạnh thật khó để tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay.

Chi phí vốn tăng thêm

Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%, có hiệu lực từ ngày 23/9, trong đó đáng chú ý nhất là trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%, do lãi suất chính sách này tác động trực tiếp đến hoạt động huy động vốn và chi phí đầu vào của các tổ chức tín dụng (TCTD). Thực tế sau động thái của NHNN, ngay lập tức hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh khung lãi suất tiền gửi của mình với mức tăng mạnh tương ứng 1% ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, trong đó một số ngân hàng đã niêm yết kịch trần 5% tại các kỳ hạn này.

Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng huy động vốn đến ngày 20/9/2022 của các TCTD tăng 4.04% so với đầu năm. Dựa trên số dư tiền gửi toàn ngành cuối năm 2021 là 10.95 triệu tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng nói trên ước số dư tiền gửi toàn ngành hiện nay vào khoảng gần 11.4 triệu tỷ đồng. Nếu chi phí vốn tăng thêm 1% như mức điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi mới đây, số tiền lãi mà các ngân hàng phải trả thêm cho khách hàng vào khoảng 114,000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, thực tế lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được điều chỉnh trong đợt vừa qua của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với mức tăng 1% của tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Ngoài ra, trong số dư 11.4 triệu tỷ đồng nói trên, cũng đã bao gồm tiền gửi không kỳ hạn (trong đó tiền gửi thanh toán của KHCN đến cuối tháng 6/2022 là hơn 979 ngàn tỷ đồng), trong khi trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đợt điều chỉnh vừa qua chỉ tăng thêm 0.3% từ 0.2% lên 0.5%.

Nếu so với thời điểm đầu năm nay, khung lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 6 tháng bình quân đã tăng thêm hơn 1%, kỳ hạn 6-11 tháng tăng gần 0.8%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng thêm 0.7%. Với tiền gửi ngắn hạn hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng tương đối lớn từ 60% - 70%, giả sử mức lãi suất tiền gửi bình quân tổng thể đã tăng thêm 0.8%, có thể thấy chi phí vốn của các ngân hàng ước tính tăng thêm tối thiểu hơn 90,000 tỷ đồng trong giai đoạn tới.

Con số này tương đương với 24% tổng chi phí trả lãi năm 2021 của 28 ngân hàng có công bố báo cáo tài chính năm 2021, và xấp xỉ 57% lợi nhuận sau thế của 28 nhà băng này. Điều này cho thấy mức chi phí vốn tăng thêm sẽ ảnh hưởng đáng kể lên kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong giai đoạn kế tiếp, nếu các ngân hàng không có giải pháp đưa các nguồn thu nhập tăng trưởng tương ứng để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng của chi phí vốn đầu vào.

Lãi suất cho vay sẽ gặp thách thức

Trong bối cảnh nhiều nguồn thu đang bị hạn chế, khi dịch vụ tư vấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp từng là mảng béo bở nay bị kiểm soát chặt, cho đến hoạt động bán bảo hiểm kèm theo sản phẩm tín dụng cũng bị cảnh báo từ cơ quan quản lý, trong khi các mảng thu phí dịch vụ thanh toán đang đến giai đoạn bão hòa và các nhà băng đang phải miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ thanh toán để đảm bảo khả năng cạnh tranh, có thể thấy để cải thiện nguồn thu nhập sẽ phụ thuộc không nhỏ vào hoạt động tín dụng.

Vì vậy, với chi phí vốn gia tăng, không khó để nhận ra rằng lãi suất cho vay tất yếu sẽ chịu áp lực trong giai đoạn tới, dù nhà điều hành vẫn đang nỗ lực tìm cách kiềm chế và kêu gọi các ngân hàng cần phải nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay. Hiện tại, đợt điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi gần nhất của các ngân hàng sau động thái của nhà điều hành vẫn chưa tác động đến các khoản tiền gửi trung dài hạn của các nhà băng, nhưng càng về sau các ảnh hưởng sẽ rõ hơn, khi đó với chi phí đầu vào tăng mạnh thật khó để tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay.

Ngược lại, cung tín dụng lại đang bị hạn chế khi nhiều ngân hàng đã sớm hết dư địa cho vay từ quý 2 năm nay và đợt phân bổ mới đây cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Cầu tăng nhưng cung không đáp ứng được tất yếu sẽ đẩy giá tăng, theo đó các ngân hàng càng có động lực nâng lãi suất cho vay như là một trong những cách thức để lựa chọn khách hàng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cầu tín dụng đang tăng trưởng mạnh mẽ, theo số liệu của Tổng cục thống kê tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/9 tăng 10.54%, cao hơn nhiều mức tăng 7.17% của cùng kỳ năm 2021 và gấp 2.6 lần mức tăng trưởng huy động vốn, rõ ràng lãi suất cho vay khó lòng giữ vững. Cầu cao thì ắt giá tăng. Với thị trường chứng khoán vẫn đang chìm trong sự ảm đạm, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ và đối mặt với sự nghi ngờ sau những tai tiếng, vi phạm bị phát hiện gần đây, nên các doanh nghiệp cũng khó huy động vốn trên 2 kênh này dễ dàng như giai đoạn trước, vì vậy càng đổ về kênh tín dụng ngân hàng.

Ngược lại, cung tín dụng lại đang bị hạn chế khi nhiều ngân hàng đã sớm hết dư địa cho vay từ quý 2 năm nay và đợt phân bổ mới đây cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Cầu tăng nhưng cung không đáp ứng được tất yếu sẽ đẩy giá tăng, theo đó các ngân hàng càng có động lực nâng lãi suất cho vay như là một trong những cách thức để lựa chọn khách hàng.

Đáng lưu ý là theo nhận định của giới phân tích, xu hướng lãi suất đi lên sẽ chưa sớm dừng lại. Với việc các ngân hàng trung ương trên khắp toàn cầu vẫn đang theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay, trong đó nhiều ngân hàng đã liên tục tăng lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay, đơn cử như Cục dự trữ liên bang Mỹ đã có đến 5 lần tăng, trong khi Việt Nam chỉ mới ghi nhận một lần tăng duy nhất dù mức tăng cũng khá mạnh tay lên đến 1%.

Vì lẽ đó, khả năng chi phí vốn đầu vào của các nhà băng sẽ còn tiếp tục tăng lên trong giai đoạn kế tiếp, xu hướng này sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay. Điểm tích cực là vừa qua nhiều ngân hàng đã tăng mạnh được vốn điều lệ, phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất thấp, do đó giúp kìm hãm bớt mức tăng của chi phí vốn bình quân (nếu bao gồm cả vốn tự có của ngân hàng). Dù vậy, đứng ở góc độ cổ đông của ngân hàng, những người đã tham gia vào các đợt tăng thêm vốn điều lệ, rõ ràng cũng đòi hỏi một mức sinh lời tối thiểu cho nguồn vốn đầu tư của mình tối thiểu phải cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm