A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín dụng chính sách - Giải pháp quan trọng giảm nghèo và giải quyết việc làm

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Hậu Giang tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về nội dung này.

Cụ thể, Tỉnh ủy Hậu Giang tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, quan tâm đến tín dụng chính sách xã hội, xem đây là giải pháp quan trọng cho công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên có giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định...

Hậu Giang nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy, chính quyền xác định, công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV giai đoạn 2021 - 2025.

Chính quyền địa phương các cấp hằng năm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Tỉnh phấn đấu hằng năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm từ 20 - 30% tăng trưởng dư nợ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm; đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác của địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. 

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian qua, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện mạnh dạn dành một phần ngân sách để chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Qua đó, góp phần tích cực vào việc cho vay một số đối tượng mà nguồn vốn Trung ương hiện chưa đáp ứng như: người có công với cách mạng; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với gia đình không thuộc đối tượng theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương; người chấp hành xong án phạt tù... Giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 4/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh Hậu Giang ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn đã tăng hơn 354 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, tăng 102 tỷ đồng, mức tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 10 năm qua đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hàng hóa. Qua đó, nâng cao chất lượng môi trường sống, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đề ra; tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 8,4% (đầu năm 2015) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023). Qua đó, giúp 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Toàn tỉnh đã công nhận được 266 sản phẩm OCOP; trong đó, có 92 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao.

Trong 10 năm qua, thông qua các chương trình tín dụng, nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho 317.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 8.199 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; thu hút, tạo việc làm cho 32.260 lượt lao động; 1.511 lượt lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo trên 201.519 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn vay cho 1.949 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở./.

Duy Ba


Tác giả: Phạm Duy Khương
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm