A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục cơ cấu lại có trọng tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 2/8, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 224/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo Thông báo, Thường trực Chính phủ đánh giá khu vực doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần dẫn dắt, tạo động lực cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển.

Thời gian qua và giai đoạn 2021-2022, triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã đạt được một số kết quả tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Đảng, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn một số bất cập, tồn tại, hạn chế như vai trò cấp ủy, tổ chức Đảng trong thực hiện lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh, quản lý cán bộ có nơi, có lúc kết quả chưa cao; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa phát huy rõ nét; năng lực đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các ngành dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn hạn chế; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn doanh nghiệp, dự án hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài…

Đến năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước

Thông báo nêu rõ, tình hình thế giới và trong nước hiện nay có nhiều biến động khó lường. Trong bối cảnh đó, xuất hiện nhiều cơ hội, thuận lợi song khó khăn, thách thức cũng rất lớn.

Do đó, các bộ, cơ quan và khối doanh nghiệp nhà nước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó để phát triển hơn nữa trong điều kiện khó khăn; trong đó quán triệt các quan điểm, mục tiêu và thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thường trực Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục đổi mới các phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước và kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý, sản xuất, kinh doanh gắn với tăng cường kiểm tra giám sát để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Các doanh nghiệp nhà nước cần có đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; góp phần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, chính sách tài khóa mở rộng hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, kiểm soát tốt giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành, cơ quan trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình, điều kiện mới.

Đến năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vừa khắc phục, giải quyết các công việc, nhiệm vụ tồn đọng, các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động

Thường trực Chính phủ đề nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành, cơ quan chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn thúc đẩy công tác đầu tư, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Các doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; đổi mới quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phù hợp tình hình mới và tương xứng với nguồn lực nắm giữ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu...

Các cấp ủy, tổ chức đảng phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối để cùng với Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu tổ chức, bộ máy trong doanh nghiệp nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; giao nhiệm vụ cụ thể, dự án quan trọng cho các doanh nghiệp nhà nước gắn với cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp trong tổng thể nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh./.

PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm