A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ vướng mắc, kết nối tín dụng cho các hợp tác xã đầu tư phát triển

Ngày 10/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị gặp mặt, trao đổi giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh có khoảng 915 tổ hợp tác và 122 hợp tác xã. Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát triển với nhiều hình thức đa dạng, dần thích ứng những thay đổi của thị trường. Vai trò của kinh tế tập thể trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo, chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được phát huy tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ngày càng phát triển.

Quy mô sản xuất các hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng mở rộng, lĩnh vực ngành nghề hoạt động đa dạng hơn, chất lượng hoạt động và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã được nâng lên. Một số mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả được nhân rộng; liên kết giữa các hợp tác xã và với tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển. Các tổ chức kinh tế tập thể từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, năng lực tài chính, quản trị, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hợp tác xã còn khó khăn, quy mô sản xuất còn nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất thiếu thốn, lạc hậu, chưa được đầu tư cải tiến. Các hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng từ ngân hàng... Đến nay, Ninh Thuận chưa thành lập được Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ; là lực cản lớn đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Phúc Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phước An (huyện Ninh Phước) thông tin, hợp tác xã chuyên sản xuất nông sản, có vốn điều lệ khoảng 12 tỷ đồng với 814 thành viên tham gia. Vừa qua, hợp tác xã có vay thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được vay 1 tỷ đồng. Để được vay, cần rất nhiều thủ tục, việc giải quyết cho vay chậm và không đủ đầu tư phát triển sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú Hùng Ky cho hay, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh ổn định và cần thêm nguồn vốn vay đầu tư mở rộng sản xuất. Vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Sacombank tại Ninh Thuận hỗ trợ mỗi hội viên hợp tác xã được vay khoảng 50 triệu đồng với sự bảo lãnh của hợp tác xã, đầu tư sản xuất khoảng 3 năm, trả dần gốc và lãi hằng tháng là hơn 1,8 triệu đồng; mức này khá cao. Hợp tác xã mong muốn ngân hàng có giải pháp hỗ trợ hoặc tính lại lãi suất để người vay giảm bớt khó khăn.

Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận thông tin, hiện nay, tại tỉnh có 14 chi nhánh ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại. Đây là điều kiện tốt để các hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các ngân hàng nhà nước muốn cho các hợp tác xã vay phải có tài sản thế chấp, thực hiện theo đúng quy định, có phương án sản xuất cụ thể, đảm bảo khả năng trả lãi suất…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế tập thể. Hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn gặp khó khăn, nhất là bài toán về giải quyết vốn tín dụng cho vay. Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - hợp tác xã. Qua đó, nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn vay để kịp thời xử lý, tháo gỡ; tích cực triển khai chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận vốn, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh đề nghị, chính quyền các địa phương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời, tổ chức đoàn đến cơ sở tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn các hợp tác xã đang gặp phải, nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai, vốn vay, đầu tư; sớm tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Các ngân hàng phát huy tổ công tác ngân hàng để hỗ trợ kịp thời cho các hợp tác xã.../.


Công Thử


Tác giả: Thành Công Thử
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm