A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đến xây dựng và phát triển tín chỉ carbon rừng tại Bình Thuận

Ngày 10/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Tín chỉ carbon rừng cơ hội và thách thức".

Hội thảo nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận thực hiện các quy định có liên quan đến phát triển tín chỉ carbon rừng của tỉnh Bình Thuận, đồng thời chia sẻ thêm thông tin, kinh nghiệm từ các tỉnh, thành trong cả nước và đề xuất thêm các giải pháp phù hợp, thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển tín chỉ carbon rừng của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Hiện nay, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 342.000 ha, trong đó rừng tự nhiên là 297.000 ha (gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon rừng sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là bước ngoặt làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên carbon.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Viên Ngọc Nam, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, tín chỉ carbon rừng là tín chỉ được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR), hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM). Việc tận dụng nguồn tài chính từ tín chỉ carbon sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn diện tích rừng tự nhiên cũng như tăng cường diện tích rừng trồng hiện nay, từ đó giúp bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng là cơ hội lớn cho các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng hiện nay, đặc biệt là nhu cầu đối với loại hình tín chỉ này đang rất lớn trên thị trường carbon. Ngoài ra giá của tín chỉ carbon rừng cũng thường cao hơn so với các loại hình tín chỉ khác. Theo số liệu năm 2019, giá trung bình của một tín chỉ REDD+ là 3,79 USD/tín chỉ và đối với các dự án trồng rừng mới, tái tạo thảm thực vật là 7,89 USD/tín chỉ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Viên Ngọc Nam, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tại Việt Nam, Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 đang được triển khai tại 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ khoảng 32,09 triệu tấn CO2, trong đó Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) đã cam kết mua 10,3 triệu tấn với giá 5 USD/tín chỉ. Hơn nữa, theo tổ chức Ecosystem Marketplace, giá của tín chỉ carbon rừng có thể tăng mạnh trong những năm tới khi nhu cầu đối với loại hình tín chỉ này đang ngày càng tăng đến từ khu vực tư nhân và thị trường tự do.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận việc triển khai carbon rừng gặp khó khăn như: Về trình độ quản lý, nguồn kinh phí thực hiện, công tác tuyên truyền, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm...

Theo các đại biểu, tín chỉ carbon rừng mang lại hiệu quả với việc cung cấp một cơ chế khuyến khích bảo tồn rừng; hỗ trợ cộng đồng địa phương, bảo vệ đa dạng sinh học và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tín chỉ carbon rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho quản lý rừng bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Các đại biểu cũng nhìn nhận, trong thời gian tới, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, khi mà chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp và qua quá trình thử nghiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP (Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp) trong đó có hướng dẫn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với loại dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng; nếu được nguồn thu sẽ tăng và người làm rừng sẽ hưởng lợi nhiều hơn./.

Nguyễn Thanh


Tác giả: Nguyễn Văn Thanh
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm