A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ tham gia phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng có nhiều nữ giới mạnh dạn phát triển các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, tăng thu nhập, đồng thời khẳng định vị trí của phụ nữ trong đời sống, xã hội.

Với sự quyết tâm khởi nghiệp, vươn lên bằng chính ngành nghề truyền thống của quê nhà, gia đình chị Trần Thị Vân, Thôn 7, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn đầu tư trên 3 tỷ đồng mở xưởng sản xuất rượu với dây chuyền máy móc hiện đại thay cho phương thức sản xuất thủ công truyền thống. Nhờ áp dụng tiến bộ công nghệ nên các sản phẩm rượu của gia đình làm ra đảm bảo an toàn, chất lượng.

Tháng 12/2023, sản phẩm rượu Hải Luân của gia đình chị Vân đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được nhiều khách hàng tin dùng. Chị Vân cho biết, sản phẩm rượu của gia đình bán được nhiều hơn so với thời gian trước đây vì thế doanh thu cũng tăng lên. Đặc biệt, trước đây gần như gia đình chỉ bán được sản phẩm thông qua các kênh bán trực tiếp thì giờ đây đã có nhiều khách hàng đặt mua qua các kênh giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là động lực để gia đình cố gắng phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu đạt được chứng nhận 4 sao, 5 sao trong thời gian tới.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lý, Tổ 8, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý đã xây dựng và duy trì hiệu quả xưởng sản xuất bánh đa truyền thống. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Lý sản xuất khoảng 4 nghìn chiếc bánh đa, cung cấp cho các nhà hàng, khu du lịch, trạm dừng nghỉ trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. Hiện, sản phẩm bánh đa của gia đình chị Tuyền đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được tỉnh lựa chọn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

Chị Tuyền vui mừng chia sẻ, việc sản phẩm được công nhận OCOP giúp cơ sở rất nhiều; hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vui hơn là thương hiệu bánh đa truyền thống của gia đình được khách hàng tin tưởng và giới thiệu rộng rãi tại các hội chợ, gian trưng bày của địa phương.

Nhận thấy phụ nữ vừa đóng vai trò chủ thể tham gia Chương trình OCOP vừa là đòn bẩy mở ra cơ hội đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên bản địa vừa có thể hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm mang đến giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh Hà Nam thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hỗ trợ, vận động hội viên thực hiện chương trình nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh ở địa phương;  tận dụng được nguồn nhân lực nhàn rỗi tại chỗ, trí tuệ bản địa, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia sản xuất, sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Lục cho hay, sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm của các hội viên phụ nữ được tiêu thụ dễ dàng hơn. Như dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng tiêu thụ các mặt hàng đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, Liên hiệp Phụ nữ các cấp và các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã làm cầu nối với một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối uy tín để đưa sản phẩm đến với khách hàng.

Sau gần 5 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Hà Nam có 114 sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu được công nhận OCOP (trong đó có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, còn lại là 3 sao), đa số sản phẩm là do hội viên Hội Phụ nữ làm chủ thể. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đã mở rộng được thị trường, gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng doanh thu. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm, không ngừng vươn lên, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm OCOP đặc trưng, từ đó không chỉ giúp chị em làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mà còn góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP của địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam Trần Thị Bình cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên phụ nữ và các hợp tác xã. Đồng thời, các cấp hội hỗ trợ hội viên có nhu cầu khởi nghiệp, cần vay vốn tại Ngân hàng Chính sách để đầu tư và phát triển ngành nghề truyền thống. Từ đó góp phần cùng với các cấp, ngành, chính quyền, địa phương phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng./.

Đại Nghĩa


Tác giả: Nguyễn Trọng Đại Nghĩa
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm