A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển xanh, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa

Ô nhiễm nhựa là vấn đề môi trường, là thách thức lớn đối với xã hội hiện đại. Rác thải nhựa đã có mặt khắp mọi nơi, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng sâu sắc từ đô thị đến nông thôn và cả đại dương. Rác thải nhựa cũng tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe của con người. 


Trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, cơ quan chính phủ Việt Nam, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với đối tác quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doaH nghiệp triển khai các chương trình, dự án nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa. Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau nhiều vòng đàm phán nhằm thiết lập Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Việt Nam đã sớm nhận thấy sự cần thiết của việc lồng ghép các mô hình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tái chế và quản lý bền vững các sản phẩm nhựa.

Tháng 2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Hợp tác nhằm chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua việc đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn, quản lý vòng đời sản phẩm và nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhậ̂n thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc. Đến tháng 12/2020, Việt Nam khởi động Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP). Chương trình là hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ Tài nguyên và Môi trường với Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đây là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được thành lập nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác chung giữa cơ quan chính phủ và đối tác để thực hiện các hành động cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.

Tháng 4/2024, Unilever Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhằm tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo nâng cao chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng giải pháp thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm tại Việt Nam. Mục tiêu xa hơn của Chương trình là đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa; hỗ trợ thực hiện quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Theo Báo cáo Kịch bản chính sách nhằm
giải quyết ô nhiễm nhựa đến năm 2040 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc chấm dứt ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự huy động nguồn tài chính lớn. Nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa được dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ 2020 đến 2040. Cũng theo thông tin từ Cuộc đàm phán Ủy ban liên Chính phủ thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-5) ở Busan (Hàn Quốc) cuối tháng 11 vừa qua, trên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn dự kiến dao động từ 426 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2040.

Là thành viên Nhóm công tác thực hiện Chương trình đối tác Hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP), theo đại diện Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam, để vượt qua thách thức này, thực hiện quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Việt Nam cần tìm kiếm các công cụ tài chính, tạo động lực cho các sáng kiến sáng tạo, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, phát triển kinh tế xanh, bao trùm và bền vững. Để thu hút tài trợ bền vững cho các sáng kiến liên quan đến nhựa, điều cần thiết là phải áp dụng tiếp cận toàn diện bằng cách thiết lập các hướng dẫn rõ ràng, xây dựng khuôn khổ pháp lý, đưa ra các ưu đãi hỗ trợ và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế để mở ra các cơ hội tài trợ đa dạng và thúc đẩy đổi mới trong các giải pháp tuần hoàn./.

Hoàng Vân


Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm