A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cung cấp dịch vụ lưu động ở vùng sâu bảo đảm quyền bình đẳng trong chăm sóc SKSS

Bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các DV chăm sóc sức khỏe phụ nữ, những đợt khám lưu động cho phụ nữ miền núi, biên giới, DTTS được đẩy mạnh.

 
Hội KHHGĐ tỉnh truyền thông về chăm sóc SKSS-KHHGĐ, bình đẳng giới cho phụ nữ ở xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ).
Hội KHHGĐ tỉnh truyền thông về chăm sóc SKSS-KHHGĐ, bình đẳng giới cho phụ nữ ở xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ).
 

Khám lưu động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Với điều kiện khó khăn, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS).

Nhằm chăm sóc SKSS cho chị em phụ nữ tại tuyến cơ sở ngày càng tốt hơn, Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các đợt khám lưu động tới phụ nữ miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số. Qua các chuyến khám lưu động này, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ hiện đại, cải thiện tình trạng sức khỏe, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số.

Theo BS Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, 10 chuyến cung cấp dịch vụ lưu động tại các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn đã được triển khai. Để những buổi truyền thông chăm sóc SKSS- KHHGĐ, bình đẳng giới được hiệu quả cao, Hội đã tổ chức các buổi hội thảo, phát tờ rơi để người dân trao đổi những kiến thức còn thiếu; hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai, làm mẹ an toàn, bình đẳng giới; khám sàng lọc các bệnh lý về SKSS, cấp thuốc điều trị tại chỗ miễn phí, cung cấp những phương tiện tránh thai cho người dân.

Tại Trung tâm y tế TP Móng Cái, hàng năm cũng đều xây dựng kế hoạch khám lưu động tại 17/17 trạm y tế xã, phường, ít nhất là mỗi trạm y tế được tổ chức 1 lần khám.

 

Theo chia sẻ của BSCKI Phạm Thị Đào, Phó trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - phụ sản của Trung tâm, Trung tâm đã triển khai phương pháp khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng phương pháp xét nghiệm tế bào Pap Smear. Các trạm y tế tuyến xã được tập huấn chương trình khám phát hiện sớm ung thư cổ cung bằng phương pháp VIA do CDC tỉnh chuyển giao kỹ thuật trong vài năm trở lại đây. “Qua các đợt thăm khám, nhờ tuyên truyền hiệu quả mà các chị em đã dần xóa bỏ tâm lý e ngại khi thăm khám các bệnh lý phụ khoa, biết chủ động đi khám định kỳ tại các cơ sở y tế” – BS cho hay.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được nâng cao

Ngoài những chuyến cung cấp dịch vụ lưu động ở vùng sâu, vùng xa, mạng lưới chăm sóc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã được củng cố. Chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ KHHGĐ được chú trọng nâng cao.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại không ngừng được đầu tư nâng cấp; cung ứng các phương tiện tránh thai, các loại thuốc thiết yếu, nhằm bảo đảm các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ được thực hiện an toàn, hiệu quả và chất lượng. Trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều chị em phụ nữ khi ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh sản, tư vấn vô sinh, hiếm muộn. Riêng 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã đón 3.000 khách hàng tới nhận dịch vụ; điều trị bệnh phụ khoa cho 1.000 phụ nữ; khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường sinh sản cho 600 trường hợp.

 

Ngay tại các trạm y tế đều có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh làm về sản khoa, phòng khám sản, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thực hiện tốt công tác chăm sóc trước, trong, sau sinh nhằm giảm tai biến sản khoa và tử vong ở phụ nữ.

Các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại các cơ sở y tế toàn tỉnh được chú trọng. Trong đó có các hoạt động: Chăm sóc trước sinh, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, dự phòng bệnh có thể mắc phải ở các thai phụ..., nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và giám sát hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật trong thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật, như chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh.

Một số bệnh viện đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao hiệu quả như: Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); lọc máu liên tục; oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể ECMO; hồi sức bệnh nhân sơ sinh trước và sau phẫu thuật; điều trị chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, cực non tháng với cân nặng rất thấp từ 500gr… Ngay dịch vụ hỗ trợ sản phụ trong quá trình sinh cũng được đầu tư.

Bên cạnh khám phát hiện và điều trị hiệu quả các bệnh đường sinh sản, tại bệnh viện tuyến cuối của tỉnh trong lĩnh vực chăm sóc SKSS là Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã triển khai mô hình “Phòng sinh thân thiện”. Mô hình này đem đến cho tất cả sản phụ đến sinh tại Bệnh viện để có trải nghiệm tốt nhất. Với thiết kế bao gồm nhà vệ sinh, bồn rửa tay, khu vực bàn ghế chờ dành cho người nhà sản phụ, hệ thống màn hình ti vi và âm thanh cung cấp hình ảnh và âm nhạc theo yêu cầu trước và trong lúc sinh… mô hình này đã đem đến trải nghiệm tốt nhất cho sản phụ. Người nhà cũng được đồng hành trong suốt quá trình sinh của sản phụ.

 

Việc nâng cao các hoạt động chăm sóc SKSS đã giúp chị em được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất, xóa dần khoảng cách chênh lệch nhận thức về SKSS. Qua đây, góp phần ổn định quy mô, chất lượng dân số. Trong thời gian tới để hoạt động chăm sóc SKSS duy trì ổn định, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về nâng cao sức khỏe cho phụ nữ mang thai, chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm