A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chia sẻ các giải pháp giúp doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài

Sáng 12/12, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo giải pháp tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là yêu cầu pháp lý, chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế. Các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu đã và đang làm thay đổi hoàn toàn hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, sự phát triển của các sàn thương mại điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực bán lẻ. Những nền tảng này không chỉ giúp doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện để sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng xây dựng thương hiệu ra nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao giá trị của sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp cần đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ trên toàn cầu, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tránh rủi ro pháp lý, hỗ trợ kinh doanh trên thị trường quốc tế, mở rộng thị trường, hạn chế đối thủ cạnh tranh...

Nhận định việc đăng ký sở hữu công nghiệp tài sản trí tuệ tại nước ngoài là cần thiết đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Trần Giang Khuê cũng đánh giá, doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thách thức như chi phí cao, rào cản ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, quá trình xử lý đơn phức tạp, mất nhiều thời gian...

Tại hội thảo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cập nhật những thông tin mới nhất về chính sách và quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Cùng với đó là trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong bảo hộ, khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu trên thị trường quốc tế; triển khai chương trình và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài. Các diễn giả, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đề xuất giải pháp thiết thực nhằm tăng cường năng lực khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Với nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam thông tin, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng muốn đăng ký quốc tế quyền sở hữu công nghiệp cần tìm hiểu kĩ quy định pháp luật, tôn giáo, văn hóa, thị trường của từng quốc gia, khu vực; sử dụng hệ thống đăng ký khu vực và quốc tế; theo dõi hồ sơ, xử lý quá trình thẩm định, cấp, duy trì, gia hạn bảo hộ...

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ trước khi đăng ký; lựa chọn thị trường mục tiêu để xây dựng chiến lược đăng ký bảo hộ đúng trọng tâm và toàn diện.

Thành phố Cần Thơ đạt nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bảo hộ tài sản trí tuệ, với 5.579 văn bằng sở hữu công nghiệp được cấp trong nước và trên 20 nhãn hiệu được bảo hộ ở các thị trường quốc tế.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ Trương Hoàng Phương cho biết, thời gian qua, các chương trình hỗ trợ, chính sách phát triển đến năm 2030 đã thúc đẩy gia tăng số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm địa phương mà còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước./.

Thu Hiền


Tác giả: Trần Thị Thu Hiền
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm