Tạo môi trường để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển nhanh, mạnh
Hải Phòng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vì vậy, thành phố cần tiếp tục xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, có chiến lược dài hạn để ươm mầm, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia góp phần trả lời câu hỏi làm thế nào để đưa Hải Phòng đạt danh hiệu 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo của thế giới.
*Kết nối, xây vườn ươm
Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng được xem là trái tim của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố. Theo ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, đây là nơi lan tỏa định hướng phát triển chung của thành phố về hoạt động khởi nghiệp cũng như kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với các hoạt động chính như truyền thông và hỗ trợ hoạt động của các thành phần trong hệ sinh thái. Trung tâm tổ chức hoạt động chia sẻ nguồn lực, kết nối thị trường, kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời là nhịp cầu kết nối các chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên là các giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố.
Tính đến nay, Hải Phòng có 206 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có khoảng 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành lập mới, 40 dự án doanh nghiệp được ươm tạo, hỗ trợ tăng tốc, kết nối phát triển thị trường, hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ pháp lý. Theo thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã góp phần tạo ra khoảng 2.000 việc làm.
Chia sẻ về vai trò của các cơ quan chức năng trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ông Trần Xuân Phong, Giám đốc Công ty Sản xuất và Dịch vụ LeanMac cho biết, các cơ quan của thành phố Hải Phòng có vai trò rất quan trọng trong kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các tổ chức, nhà đầu tư thiên thần. Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, ông Trần Xuân Phong có nhiều cơ hội đại diện cho doanh nghiệp tham gia các phiên kết nối cung cầu, gặp gỡ đối tác để tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp lớn, tìm kiếm thị trường để Công ty Sản xuất và Dịch vụ LeanMac phát triển.
*Cần chiến lược bài bản, dài hơi
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khẳng định, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hải Phòng đã qua giai đoạn kích hoạt, bước vào giai đoạn kết nối quốc tế. Các thành tố của hệ sinh thái ngày càng hoàn thiện, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên của thành phố. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đi vào chiều sâu, mang lại các giá trị và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp khó khăn, đồng thời tạo kết nối với các doanh nghiệp uy tín trong nước, quốc tế.
Song, ông Hoàng Minh Cường cũng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hải Phòng còn đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu sự kết nối mạnh mẽ giữa các trường, viện nghiên cứu và thị trường, dẫn đến ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế vẫn không cao. Kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo đã được đưa vào chương trình giảng dạy nhưng chưa nhiều nên các sinh viên chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, tinh thần doanh nhân ngay trên ghế nhà trường. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Hải Phòng mặc dù có tiềm năng, nhưng chất lượng sản phẩm và dịch vụ chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, chưa có sự đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Hoàng Minh Cường cho biết, thành phố đang nỗ lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo dựng một môi trường kết nối mạnh mẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái, bao gồm các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và cộng đồng sáng tạo. Mục tiêu của Hải Phòng là thu hút nguồn lực từ các khu vực công và tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhanh, chủ yếu dựa vào khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh đột phá.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Hải Phòng cần tiếp tục xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại để các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài dễ tiếp cận. Cùng với đó, thành phố nên tổ chức nhiều diễn đàn để lãnh đạo các doanh nghiệp cùng chung chí hướng và khát vọng về một “thành phố khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp”. Đặc biệt, chính quyền cần xác định doanh nghiệp là đối tác để xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thân thiện, cạnh tranh.
Còn theo ông Tony Wheeler, Tổng Giám đốc Điều hành ImagineX Ventrures, Austrailia, để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, Hải Phòng cần có chính sách dài hơi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và có thể học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác, trong đó có Singapore - quốc gia đã đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi sáng tạo trong hơn 50 năm qua. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải có ý tưởng sáng tạo, đột phá, chứng minh được sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo./.
Minh Thu